Công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học, tự động hóa, điện – điện tử… là những ngành thị trường lao động đang cần nguồn nhân lực.
Một học viên Trung tâm GDTX Q.3 đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Các chuyên gia khẳng định như vậy tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trung tâm GDTX Q.3 vừa qua.
Mở đầu chương trình, em Lê Khương (lớp 12A5) hỏi: “Học ngành quản trị kinh doanh ra làm những gì? Để điều hành công ty của gia đình thì học ngành này có phù hợp không? Trả lời câu hỏi này, ThS. Lê Mạnh Khôi (đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: Ngành quản trị kinh doanh học chuyên sâu về quản lý nhân sự, quản lý marketing, quản lý sản xuất, quản lý rủi ro, các thủ tục kinh doanh… Nếu gia đình có điều kiện mở công ty thì học ngành này là hoàn toàn hợp lý; tuy nhiên, để công tác điều hành đạt hiệu quả thì nên học thêm về kế toán, quản lý tài chính… “Các ngành nghề mà xã hội đang rất cần, phục vụ thị trường lao động theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là CNTT, điện – điện tử, tự động hóa, cơ khí, công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học…”, ông Khôi cho biết.
Tương tự, em Ngọc Hiếu (lớp 11A3) chia sẻ với Ban tư vấn rằng đang phân vân không biết chọn CĐ hay ĐH bởi xu hướng việc làm hiện nay cần thợ hơn thầy, đồng thời doanh nghiệp cần kỹ năng hơn bằng cấp. Với vấn đề này, ông Khôi khẳng định: Lựa chọn học CĐ hay ĐH còn phụ thuộc vào năng lực học tập, đam mê của bản thân, điều kiện tài chính của gia đình… Học CĐ có ưu điểm là rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, có việc làm ngay, được liên thông lên ĐH dễ dàng. Cùng quan điểm với ông Khôi, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng việc lựa chọn học CĐ hay ĐH còn phụ thuộc lớn vào sức học của bản thân cũng như ngành nghề đó thị trường có chấp nhận hay không. “Học ngành nào, trường nào, trình độ ra sao không quan trọng, quan trọng là người học có kỹ năng và chuyên môn vững”, bà Thảo phân tích.
Một học viên khác băn khoăn, đã tốt nghiệp TC ngành quản trị mạng có nên học tiếp lên cao hay chọn học một chuyên ngành khác? Đại diện Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM chia sẻ: Với nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng thì việc tiếp tục học nâng cao, hoặc liên thông lên ĐH cùng chuyên ngành là cần thiết. Còn nếu kiến thức ngành quản trị mạng đã vững, tự tin làm tốt công việc thì có thể chọn một chuyên ngành khác trong CNTT để học, như kỹ thuật phần mềm, mạng máy tính, an toàn thông tin…
“Hai ngành tâm lý học và xã hội học khác nhau như thế nào? Ngành Việt Nam học ra làm gì?”, nhiều học viên cùng hỏi như vậy. Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo trả lời: Ngành xã hội học chuyên nghiên cứu các hiện tượng trong xã hội (dân số, tệ nạn, văn hóa…), còn ngành tâm lý học chuyên sâu nghiên cứu tâm lý con người cụ thể, rõ hơn là nghiên cứu những diễn biến trong đầu và trái tim con người. Học ngành tâm lý học có thể làm giảng viên tâm lý, dạy kỹ năng mềm, tham vấn tâm lý học đường, quản trị nhân sự… Trong khi đó, học ngành Việt Nam học có thể nghiên cứu văn hóa Việt Nam, trở thành giảng viên môn cơ sở văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, hướng dẫn viên du lịch…
T.Anh
Bình luận (0)