Với một trường, các em có thể đăng ký vô số nguyện vọng. Khi đăng ký, các em cần phải đặc biệt chú ý mã ngành, vì năm nay mã ngành đã có sự thay đổi hai chữ số đầu là số 7 (năm ngoái hai chữ số đầu là 52). Với những em dùng điểm thi để xét tuyển ĐH thì phải đánh vào ô dùng điểm thi để xét ĐH…
ThS. Phùng Quán (đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) trao đổi thêm với học sinh Trường THPT Trần Phú sau buổi tư vấn |
Đây là những thông tin được ThS. Phùng Quán (đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) chia sẻ với các em học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua.
Cần ghi đầy đủ thông tin vào tài khoản
Theo ThS. Phùng Quán, sau khi đăng ký hồ sơ, mỗi học sinh sẽ được cung cấp 1 tài khoản tuyển sinh trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. “Các em cần phải ghi đầy đủ thông tin, đặc biệt là email và số điện thoại của chính mình để thuận tiện trong việc thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến”, ThS. Phùng Quán nói.
Với việc đăng ký nguyện vọng, ThS. Phùng Quán cho biết, dù không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng các em hãy chọn những nguyện vọng thích nhất đặt lên đầu tiên, để tránh trường hợp ngành mình thích nhưng lại không có cơ hội được học. Bên cạnh đó, ông cũng thông tin, sau khi dự thi THPT quốc gia, các em sẽ có thời gian 1 tuần (từ ngày 19-7 đến 26-7) để điều chỉnh nguyện vọng. Dựa vào điểm thi, chọn tổ hợp môn nào cao nhất để thay đổi cho phù hợp. Nếu số nguyện vọng ban đầu không thay đổi thì các em nên chọn phương thức thay đổi nguyện vọng trực tuyến để thay đổi các nguyện vọng hoặc tổ hợp thi. Nếu tăng thêm nguyện vọng thì các em làm giấy nộp cho trường THPT nơi các em đang theo học.
Về điều kiện để được ưu tiên xét tuyển đối với các trường thành viên ĐHQG TP.HCM, ThS. Phùng Quán thông tin, bắt đầu từ ngày 15-5 đến 15-6, các em sẽ nộp hồ sơ trực tiếp với các trường muốn được ưu tiên xét tuyển. Trong hồ sơ gồm học bạ 3 năm THPT, bài giới thiệu của thầy cô, bài luận của bản thân các em nói rõ lý do vì sao muốn học tại trường. Với hình thức này, các em được đăng ký 3 nguyện vọng, mỗi trường khác nhau sẽ là một bộ hồ sơ.
Cụ thể hóa công việc để chọn ngành, chọn trường phù hợp
Đó là lời khuyên được TS. Nguyễn Hữu Long (chuyên gia tâm lý, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) đưa ra cho học sinh khi lựa chọn ngành. TS. Nguyễn Hữu Long cho rằng việc không giới hạn nguyện vọng cho phép học sinh thi một lần nhưng lại có rất nhiều cơ hội được học tập. Tuy nhiên, cũng sẽ tạo khó khăn cho chính học sinh trong việc đưa ra lựa chọn nguyện vọng cho bản thân mình.
Quan trọng là cách học! “Học CĐ hay ĐH? Học CĐ liệu có đủ kiến thức để có một công việc ổn định không?”. Đây là băn khoăn của nhiều học sinh Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua. Theo các chuyên gia tư vấn, học CĐ hay ĐH cũng chỉ là một sự lựa chọn, một môi trường học. Còn có công việc ổn định hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bằng cấp không phải là tất cả. “Có những ngành nghề chỉ cần học CĐ, thậm chí là TC, các em đã có thể làm việc được rồi. Ví dụ như ngành hướng dẫn viên du lịch. Nhưng cũng có những ngành nghề lại đòi hỏi các em ở trình độ ĐH để có một kiến thức chuyên sâu, phục vụ tốt cho công việc như quản trị kinh doanh”, TS. Vũ Thiện Toàn (chuyên gia tâm lý) giải đáp. Vì vậy, theo ông Toàn, để xác định bản thân nên học hệ đào tạo nào thì đầu tiên các em phải biết được cái nghề mà mình muốn theo, rồi đến ngành học sẽ đào tạo nghề đó. Sau cùng mới đến chọn môi trường học. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng còn phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn môi trường học phù hợp. “Có rất nhiều những con đường để đi. Học TC, CĐ hay ĐH cũng chỉ là những sự lựa chọn. Điều quan trọng lại nằm ở chính bản thân các em. Nên học như thế nào, nên chọn con đường ra sao…”, ông Toàn đặt câu hỏi. Đồng tình với quan điểm trên, bà Tô Huỳnh Thư (đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) cho rằng mỗi ngành nghề đều có những cơ hội khác nhau. Học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Quan trọng là cách em học như thế nào trong quá trình học để có thể tự lựa chọn công việc, làm việc một cách đầy tự tin và chuyên nghiệp. L.Quân |
‘‘Hãy cụ thể hóa công việc mình làm, nhận biết được nghề nghiệp mình muốn làm là gì rồi hãy chọn ngành, chọn trường, chọn tổ hợp môn. Đồng thời, các em cũng phải xét xem mục tiêu của bản thân mình là gì để chọn một môi trường học cho phù hợp. Bởi trong cùng một ngành nhưng với mỗi trường khác nhau sẽ lại thiên về những hướng đào tạo khác nhau. Ví dụ như ngành y thì sẽ có những hướng đào tạo bác sĩ, điều dưỡng, y tá, dược sĩ…’’, TS. Nguyễn Hữu Long nhấn mạnh.
“Muốn học khối ngành sư phạm phải vượt qua kỳ thi xét tuyển”
Thông tin trên được ThS. Đặng Hữu Khanh (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 tổ chức tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1). ThS. Đặng Hữu Khanh cho biết với những thí sinh sau khi đã đậu được vào trường, nếu muốn học khối ngành sư phạm kỹ thuật thì sẽ phải trải qua một kỳ thi xét tuyển riêng của trường. Trong kỳ thi này, đề sẽ kiểm tra các kiến thức về giáo dục, xã hội, kỹ năng như thuyết trình, nói…, xem các em có đủ điều kiện để theo học ngành sư phạm hay không. Thời gian học khối ngành này là 4,5 năm.
Riêng với các ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang và kiến trúc, để vào học, thí sinh phải vượt qua môn thi năng khiếu là vẽ đầu tượng, vẽ trang trí màu nước, coi như một môn trong tổ hợp thi xét tuyển. “Ngày 1-7, thí sinh sẽ làm thủ tục thi môn năng khiếu; ngày 2-7, thí sinh chính thức thi môn năng khiếu”, ThS. Đặng Hữu Khanh chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)