Bìa và một số trang báo xuân Khởi Điểm 1969 |
Mình không biết cái chuyện mình “làm báo” khi xưa – cách đây khoảng 50 năm ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) có liên quan gì đến việc mình làm Tổng Biên tập một tờ báo của ngành giáo dục sau này hay không? Nhưng thời “làm báo” của bọn mình ở ngôi trường trung học ấy quả là một thời có nhiều kỷ niệm không thể quên, dù thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ…
Vào khoảng 1965, mình, Hàng Chức Nguyên, Tống Phát, Đinh Quang Anh Đạt, Huỳnh Hoa, Cao Viết Tuệ, Lê Thanh Bình, Nguyễn Bốn, Nguyễn Văn Lập… học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) đã kết nhau thành bạn thân. Nhóm mình thường đạp xe la cà hết nhà bạn này đến nhà bạn kia, nghịch ngợm đủ kiểu của lứa tuổi “thứ ba…”.
Thời điểm đó, mình không nhớ rõ là xuất phát từ ý kiến bạn nào, bọn mình bắt tay vào “làm báo” Bút Non. Đó là “tạp chí” viết tay, đóng tập, cắt xén cẩn thận, bìa vẽ 4 màu, khổ tập học trò, trình bày giống Tạp chí Văn thời đó. “Tạp chí” viết tay này dành cho những cây “bút” còn “non” tuổi học trò. Trường Trần Quốc Tuấn lúc đó có nhiều báo tường của các lớp, nhưng báo viết tay đóng tập và chuyền nhau đọc thì chỉ có “Bút Non” của nhóm bọn mình. Nội dung Bút Non cũng đa dạng, nhiều thể loại: Thơ, truyện, đoản văn, kịch, thư giãn, tin tức… cũng có hộp thư bài nhận được, có chủ nhiệm chủ bút, thư ký… Có tác phẩm, thì cũng có tác giả tự xưng, tự phong là “nhà văn”, “nhà thơ”, “kịch tác gia”… Tất cả đều là “nhà” hết… Sau này, nhóm còn có Trần Xuân Tứ, Trần Thoại Nguyên, Ane Hiếu… và hàng chục “cây bút” khác trong và ngoài trường.
Đinh Quang Anh Đạt có kiểu chữ “gô – tích” có góc có cạnh đều đều thật đẹp nên thường được phân công viết thư tòa soạn hoặc chép lại bài của “nhà” nào chữ xấu… Mỗi số báo dày khoảng 60-80 trang giấy tập. Cứ hai tháng “xuất bản” 1 số. Nguyễn Văn Lập giỏi môn vẽ, thường được thầy Đô cho điểm 10 nên được phân công trình bày bìa. Nguyễn Bốn làm thư ký liên lạc, Hàng Chức Nguyên làm chủ nhiệm, còn mình làm chủ bút. Huỳnh Hoa làm phóng viên chuyên viết mảng tin tức. Tin thì tập trung cho sinh hoạt “nội bộ” của nhóm, của trường. Vào cuối năm lớp 9, Cao Viết Tuệ do sợ thầy Tiên Tổng Giám thị phát hiện mang dép lê không có quai hậu, nên vọt cửa sổ trốn. Chẳng may Tuệ bị té gãy tay. Vậy là Huỳnh Hoa có cái tin trên Bút Non: “Trưa ngày …, do sợ thầy Tiên Tổng Giám thị phát hiện mang dép không có quai hậu, kịch tác gia Vương Tử Kính đào tẩu… qua cửa sổ, bị té gãy tay – Bút Non xin thành thật chia buồn”. Nói “kịch tác gia” là vì Cao Viết Tuệ ưa viết kịch, viết khá hay với vở Mộng hoa đào. Sau này Mộng hoa đào được Ban Biên tập và thầy Trần Cao Bằng chọn đăng trong báo xuân Khởi Điểm 1969 – do bọn mình “chủ công” thực hiện.
Bọn mình “làm báo Bút Non” từ năm đệ ngũ, dài dài cho đến năm đệ tam, đệ nhị, được 14-15 tập gì đó. Năm đệ tứ (lớp 9) nhóm được cô Kim Đính, thầy Khoa Phước (Hiệu trưởng) động viên và tạo điều kiện Bút Non ra số xuân quay roneo. Bọn mình nhờ người đánh máy trên stensil, rồi tự quay roneo tại phòng kỹ thuật của trường… Lem luốc, hì hục cả ngày nhưng chữ lên không rõ, Bút Non xuân 67 bất thành trong sự tiếc nuối của cả nhóm! Năm đệ nhị, do phải tập trung học thi tú tài phần I, rồi bận làm báo “chính quy” – là các tờ đặc san của trường – nên Bút Non thưa dần rồi “đình bản” luôn. Trong Bút Non thì Hàng Chức Nguyên chuyên thơ, tùy bút. Bạn ấy có nhiều ý, tứ, hành văn rất hay. Mình thì “chuyên” thời sự, xã luận, khảo cứu… Cũng có nhiều bạn nữ tham gia thơ, tùy bút với giọng văn và nét chữ mượt mà, trong đó có Lệ Thanh. Mình và nhiều bạn rất mến “nữ tác giả” này! Đã nhiều lần mấy bạn “đực rựa” ngẩn ngơ đi tìm “nàng thơ” ấy mà không gặp. Không có thì làm sao gặp! Sau này mới biết Lệ Thanh chính là do “đực rựa” Lê Thanh Bình giả hiệu.
5 bạn nhóm Bút Non năm xưa, từ trái, đứng: Tạ Văn Doanh, Tống Phát, Hàng Chức Nguyên; ngồi: Đinh Quang Anh Đạt, Huỳnh Hoa |
Năm mình học đệ tam (lớp 10), chắc do “ảnh hưởng của Bút Non” nên mình được giới thiệu và đại diện các lớp toàn trường bầu chọn làm Phó ban Báo chí của trường, Trưởng ban là anh Ngô Minh Đức học lớp đệ nhất (lớp 12 bây giờ). Ngoài phát động phong trào làm báo tường, mình “phụ tá” đắc lực cho anh Đức, vì anh Đức bận học thi và chắc cũng không “máu” lắm với báo chí nên tờ đặc san xuân 1968 hầu như do mình và nhóm Bút Non làm hết. Đến năm mình học đệ nhị 1969 và đệ nhất 1970 thì mình được bầu làm Trưởng ban Báo chí, chủ động làm 2 tờ đặc san xuân cho trường.
Đặc san xuân được Ban Báo chí của trường thực hiện theo cơ chế tự cân đối tài chính. Ngoài việc kêu gọi các bạn học sinh, cộng tác viên viết bài, chọn bài, biên tập, chế bản, thì bọn mình còn phải đi xin tiền quảng cáo, tài trợ để in và “trả” nhuận bút… Đặc san xuân có tên riêng, như năm 1969 lấy tên là Khởi Điểm, năm 1970 là Khai Sáng(?)… Báo xuân của trường in Typo vài ngàn cuốn, ngoài tặng, nộp cho trường, phần lớn là bán, mình không nhớ giá. Ngoài việc phát hành tại các trường trong tỉnh, bọn mình còn đến các trường thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín. Sau khi xin phép Hiệu trưởng, mình và các bạn vào lớp, đứng trên bục giảng giới thiệu nội dung tờ báo và mời các bạn học sinh mua. Vậy mà bán cũng “bộn”. Mà cũng thật vui! Mỗi lần đi phát hành như vậy, cả bọn mình chạy xe Honda, một chở một kèm theo chồng báo, đi về trong ngày chắc gần 200 cây số.
Năm 1968, Đạt theo gia đình vào Sài Gòn, gần 20 năm sau mới gặp lại. Năm 1969, Hàng Chức Nguyên vào Nha Trang, các chị bạn thân thiết như Phan Hiếu, Xuân Mai, Hồng Hà… ra trường, đi tứ tán khắp nơi. Năm 1970, mình xong tú tài và cũng vào ĐH Văn khoa Sài Gòn, Nguyễn Bốn bị bắt đi lính, một vài bạn theo cách mạng… Cuộc hội ngộ mới đây sau gần nửa thế kỷ trong đám cưới con của Đinh Quang Anh Đạt tại Grand Palace Sài Gòn làm anh em nhớ lại một thuở “điếc không sợ súng” làm báo Bút Non…
Không biết có cơ duyên gì không, sau này mình và Hàng Chức Nguyên vốn là nhà giáo nhiều năm lại trở về với “nghiệp báo” năm xưa.
Mình nghĩ Bút Non là “sân chơi” tốt của bọn mình và nhiều bạn ở Trần Quốc Tuấn thời đó, là nhịp cầu giúp bạn bè gặp nhau, gắn bó và nuôi dưỡng tình bạn thân thương để cùng lớn lên, cùng trưởng thành… Nay – 50 năm sau – nhớ lại một thời là học sinh, một thời “làm báo” ở Trần Quốc Tuấn, anh em bọn mình rất đỗi tự hào!
Tạ Văn Doanh (khóa 1963-1970)
Bình luận (0)