Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chắp cánh những nghề ít người biết

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.HCM) đã diễn ra chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của hai trường: ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của UEF) đang định hướng việc chọn nghề cho các em học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây

Chương trình đã “tiếp sức” định hướng, giải quyết thắc mắc về nghề nghiệp cho hơn 500 học sinh trong trường, đặc biệt là những ngành nghề “tưởng chừng mờ nhạt”.

Mạnh dạn với đam mê

Đó là chia sẻ của ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) trước những băn khoăn về tương lai của các em học sinh trong trường khi lựa chọn những ngành nghề “tưởng chừng mờ nhạt” trong xã hội hiện nay như nhạc cụ dân tộc, pháp y, khảo cổ học hay công nghệ môi trường. Theo ThS. Quán, tương lai là do mình lựa chọn, hãy cứ mạnh dạn với đam mê, nắm bắt khả năng của mình thì bất cứ ngành nghề gì cũng có thể “tỏa sáng”, dù là thầm lặng.

Đồng quan điểm với ThS. Quán, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết những ngành nghề như khảo cổ học, nhạc cụ dân tộc “tưởng chừng mờ nhạt” mà lại không mờ nhạt. Bởi hiện nay nhu cầu nhân lực là rất lớn, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để theo được những ngành nghề này, các em cần phải có nồng nàn đam mê. “Không “hot” như ca sĩ, diễn viên hay trọng vọng như bác sĩ, những ngành nghề đặc biệt này là những người nghiên cứu thầm lặng. Cụ thể, với nghề pháp y, trước tiên các em phải có bằng bác sĩ đa khoa. Khi ra trường làm việc tại các bệnh viện, nếu có đam mê và mong muốn chuyên sâu vào pháp y, lúc đó các em mới bắt tay vào nghiên cứu”, ông Tuấn chia sẻ. Từ đó, ông Tuấn khẳng định: “Những nhóm ngành nghề này khi hội nhập kinh tế, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 thì lại càng cần, rất thiếu. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp là rất lớn”.

Làm rõ hơn hiểu biết cho học sinh về những nhóm ngành nghề trên, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của UEF) bổ sung rằng, đối với ngành khảo cổ học, đòi hỏi yếu tố tư duy và khả năng phân tích, đánh giá, khả năng sắp xếp chuỗi thời gian. Đồng thời phải có một phông nền am hiểu về lịch sử, tường tận văn hóa mới có thể theo được. “Nếu xác định theo đuổi đam mê, các em nên trang bị kỹ cho bản thân về lịch sử, văn hóa để không phải ngỡ ngàng trước đòi hỏi nghề nghiệp”, ThS. Nguyên nhấn mạnh.

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông của HUTECH) lại giúp học sinh giải đáp thắc mắc trước ngành công nghệ môi trường. ThS. Phương cho biết cơ hội nghề nghiệp đối với ngành này rất cao, bởi học môi trường không đơn thuần chỉ là xử lý rác thải, bên cạnh đó còn là đánh giá ảnh hưởng của chất thải đến con người, khai thác nguồn tài nguyên. “Phải có một tình yêu mãnh liệt với môi trường, thiên nhiên. Khi nào “nhìn rác mà thấy vàng” thì các em hãy theo học ngành này”, ThS. Phương chia sẻ.

Vẫn “nóng” ngành tiếng Anh, luật, robot

“Tương lai là do mình lựa chọn, hãy cứ mạnh dạn với đam mê, nắm bắt khả năng của mình thì bất cứ ngành nghề gì cũng có thể “tỏa sáng”, dù là thầm lặng”, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyên thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) nói.

Xuyên suốt chương trình, những thắc mắc của các em học sinh về ngành tiếng Anh chưa bao giờ hết “nóng”. Trước băn khoăn của em Mỹ Duyên rằng bản thân mong muốn theo học ngành ngôn ngữ Anh nhưng không biết phải làm gì. ThS. Phùng Quán cho biết, trước tiên bản thân phải đánh giá được năng lực đồng thời cần một tư duy hướng ngoại, không dị biệt về văn hóa và đam mê ngôn ngữ. “Ngành tiếng Anh có vô vàn những định hướng nghề nghiệp cho các em lựa chọn như phiên dịch, sư phạm hay thương mại… Tuy nhiên, để thành công, các em phải có một sự nghiêm túc tuyệt đối trước đam mê của mình”, ThS. Quán khuyên.

Một lần nữa nhắn nhủ về tầm quan trọng của ngoại ngữ, ThS. Phạm Doãn Nguyên khẳng định, ngoại ngữ và tin học như hai quai ba lô cuộc đời, chỉ cần thiếu hoặc yếu một trong hai quai là cuộc đời đã “bồng bềnh”. “Dù chọn bất cứ ngành nghề nào thì trong xã hội hội nhập hiện nay, các em đều nên trang bị cho bản thân một khả năng ngoại ngữ và những hiểu biết cơ bản về tin học. Để tự tạo cho bản thân những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn và hòa nhập hơn trước thế giới phẳng”, ThS. Nguyên phân tích.

Đứng trước những câu hỏi của các em học sinh về ngành lắp ghép và chế tạo robot,  ThS. Quán cho biết ngành này thuộc về kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính. Rất nhiều trường đào tạo về STEM đều có mảng lắp ghép và chế tạo robot. Đây là ngành không hề mới nhưng vài năm trở lại đây, trong xu hướng STEM lại đang rất cần, mở ra nhiều thế mạnh của ngành đối với đời sống xã hội.

Học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn

Luật và đạo diễn cũng là hai ngành được nhiều học sinh trong trường quan tâm. Một học sinh nam đặt câu hỏi: “Nên hay không theo học ngành đạo diễn ở trong nước?”. Chia sẻ về điều này, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, để làm nên một đạo diễn giỏi là cả một quá trình phấn đấu và nỗ lực của chính bản thân người đạo diễn chứ không phải là môi trường đào tạo. “Các em có quyền lựa chọn cho mình một môi trường học phù hợp. Tuy nhiên, còn phải là cách các em áp dụng vào thực tế Việt Nam như thế nào”, ông Tuấn cho hay. Còn với ngành luật, ThS. Nguyên chia sẻ: “40% điểm đầu vào của các trường luật là đánh giá về kiến thức xã hội. Vì vậy, nếu muốn theo ngành luật, ngay từ bây giờ, các em nên tổng hợp cho bản thân những kiến thức xã hội cơ bản”. Nhấn mạnh vấn đề này, ThS. Quán đưa ra lời khuyên với các em học sinh: “Đừng băn khoăn quá nhiều về những bài kiểm tra vào trường. Hãy cứ đam mê và không ngừng tích lũy kiến thức xã hội, am hiểu những vấn đề cơ bản xung quanh mình”.

Trần Yến

Bình luận (0)