Nguồn cung ứng, sự tiếp thị của các công ty, thiếu thông tin cập nhật làm cho người tiêu dùng (NTD) ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Song song đó, quá trình thực thi Luật Bảo vệ NTD còn luẩn quẩn khiến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho NTD chưa đạt.
Nhiều thực phẩm còn thiếu an toàn vệ sinh
Việc tiêu thụ phải thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra các bệnh lây truyền. Ước tính mỗi năm tại các quốc gia đang phát triển có đến
1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, trong đó tiêu chảy do thực phẩm và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 2,2 triệu người mỗi năm, tập trung vào trẻ em.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền NTD Việt Nam cho rằng, nguồn cung ứng, sự tiếp thị của các công ty, thiếu thông tin cập nhật làm cho NTD ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Đơn cử trong sản xuất, chế biến thì cây trồng, vật nuôi bị ô nhiễm hóa chất; Kim loại nặng thải ra từ khu công nghiệp dưới dạng khí thải, nước thải, chất thải rắn không qua xử lý. Tình trạng sử dụng hóa chất ngoài danh mục; Hóa chất bị cấm như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi, các chất bảo quản, phụ gia, chất ngọt tổng hợp, phẩm màu công nghiệp chế biến… dẫn đến ô nhiễm thực phẩm. Đặc biệt ông Hùng nhấn mạnh đối với nguồn thực phẩm nhập khẩu cũng không đảm bảo VSAT. Một số tình trạng đã xảy ra như sữa nhiễm melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc, thạch rau câu có chất phụ gia chứa chất DEHP (2 – ethylhexyl Phthalate), hạt trân châu có chứa axít maleic (chất suy thận) có nguồn gốc từ Đài Loan, hàng chục tấn thực phẩm chức năng giả, hàng chục tấn thịt bò Úc, Canada hết hạn gần 2 năm… “Năm 2014 cả nước có 194 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 5.000 người mắc và 43 người tử vong. Số liệu trên cho thấy, so với năm 2013 giảm về số người mắc nhưng tăng về số vụ và số người tử vong”, ông Hùng cho biết.
Thực phẩm “bẩn” đang là nỗi lo lớn của NTD |
ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó, Chi cục VSATTP TP.HCM cũng cho rằng: TP.HCM vẫn đứng trước thách thức lớn trong việc bảo vệ an toàn cho NTD bởi đây là nơi tiêu thụ thực phẩm từ nhiều nơi nhập về. Việc quản lý, kiểm soát ATTP chủ yếu do những nơi cấp thực phẩm chịu trách nhiệm. “Hàng năm Bộ Y tế cũng đã giám sát, phát hiện, xử lý nhiều thông tin, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm chứa chất bảo quản, chất phụ gia, chất Phthalates và một số chất cấm khác. Tại TP.HCM, Chi cục VSATTP cũng triển khai lấy nhiều mẫu xét nghiệm tìm chất DEHP trên thực phẩm, phụ gia có nguy cơ cao tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Và thanh tra, xử lý nhiều công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm có chứa chất DEHP… Chỉ tính riêng sản phẩm xí muội, rất nhiều mặt hàng này bày bán trên thị trường không có nguồn gốc và mất an toàn. Kết quả kiểm tra thị trường, Chi cục VSATTP thành phố lấy 18 mẫu xí muội thì có 11 mẫu không đạt chỉ tiêu. Thậm chí, mẫu xí muội chứa hàm lượng saccharin cao gấp 35 lần so với quy định cho phép”, bà Mai cảnh báo.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội
Để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi NTD, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật như Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, Luật ATTP, pháp lệnh VSATTP, Luật Chất lượng sản phẩm và hàng hóa… Tuy nhiên hiện nay việc thực thi các luật này vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011 nhưng sau 4 năm thực hiện, còn thiếu quy định hướng dẫn về khởi kiện theo thủ tục đơn giản, chưa phát huy được hết hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi NTD. Đối với các doanh nghiệp, vẫn thiếu tính chủ động trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD dẫn đến còn có hành vi vi phạm luật. Còn bản thân NTD chưa biết hoặc nhận biết về các quyền lợi của NTD còn hạn chế. Những người hiểu biết thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng trở thành rào cản để thực thi những quyền lợi được hưởng.
Nhận định về công tác quản lý, xử phạt thực phẩm mất VSATTP, nhiều ý kiến bức xúc và quan ngại. Ông Hùng cho rằng, Việt Nam có hàng trăm văn bản pháp quy liên quan đến chất lượng thực phẩm song đến nay công tác quản lý chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn. Sức khỏe và tính mạng NTD tiếp tục bị đe dọa vì những quy định chồng chéo, ngăn cách. Liên quan đến các vấn đề này ông Hùng kiến nghị: “Ngăn chặn và xử lý thực phẩm “bẩn” hoàn toàn không đơn giản. Các cơ quan liên quan cần phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm VSATTP. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất kinh doanh, NTD”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Đứng ở góc độ truyền thông thông tin, ông Nguyễn Thái Thiên, Phó cục trưởng, Cục Báo chí Bộ TT&TT nhấn mạnh: “Bảo vệ quyền lợi NTD trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mức độ tự do hóa thương mại ngày một gia tăng là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước mà còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, của cộng đồng xã hội. Vai trò công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đi trước một bước, nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời các kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi của NTD”. |
Bình luận (0)