Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Những món canh ăn giải nhiệt ngày hè

Tạp Chí Giáo Dục

Theo chuyên gia dinh dưỡng, mùa hè, thời tiết nắng nóng, các bà nội trợ nên tăng cường nấu các món bổ dưỡng và giải nhiệt vừa dễ ăn vừa có nhiều vitamin và khoáng chất như canh, cháo, chè…

“Thỉnh thoảng, có thể thay bữa cơm bằng ăn cháo đậu xanh, đậu đen, cháo gà, cá, trai, sò…vừa ngon vừa bổ. Đồng thời, các mẹ có thể chế biến các món chè vừa ngon vừa mát ai cũng thích như: Chè đậu đen, đậu xanh, chè hạt sen long nhãn…”, BS Nguyễn Minh Anh, Viện Dinh dưỡng, chia sẻ. 

Lưu ý, nếu ăn trong những ngày nắng nóng, các bà nội trợ nên sử dụng các thực phẩm giầu đạm và ít chất béo như: Thịt nạc, cá, tôm, cua, đậu phụ…và rau xanh các loại để nấu các món canh vừa bổ vừa mát như: Thịt nạc nấu bí, bầu, rau ngót…; canh cua mùng tơi, tôm giã nhỏ với rau muống, rau cải hay riêu cua; canh cá nấu chua, cá rô nấu rau cải, canh đậu phụ nấu cà chua… 

Sau đây là những món ngon giải nhiệt ngày hè được các chuyên gia dinh dưỡng và cả các bác sĩ đông y khuyến cáo áp dụng trong thực đơn của các bà nội trợ:

Canh cua mùng tơi

Canh cua mùng tơi, món ăn giải nhiệt yêu thích của nhiều gia đình.

Cách làm: Cua mua về, rửa sạch cho hết bùn đất. Tách mai cua, lột bỏ phần yếm rồi khêu lấy gạch cua để riêng, thịt cua đem giã hoặc xay cùng một nhúm muối nhỏ. Hòa phần cua đã xay với nước rồi lọc qua một cái rây (loại lưới nhỏ) để lọc bỏ phần bã cua.

Mồng tơi nhặt bỏ phần lá và cuống già, rửa sạch để ráo bớt nước rồi đem thái nhỏ.

Bắc nồi nước cua lên bếp, bật lửa vừa, hòa vào nước cua 1 thìa cà phê muối rồi dùng đũa quấy liền tay trong 1 – 2 phút mục đích để thịt cua không bị lắng xuống đáy nồi.

Quấy xong, đậy vung lại. Khi canh sôi, thịt cua chín sẽ đóng thành tảng nổi lên thì vặn nhỏ lửa để gạch cua không bị nát.

Lúc này, nhẹ nhàng thả rau mồng tơi vào riêng một góc trong nồi, tránh làm vỡ gạch cua.

Rút nốt phần gạch cua đã khêu lúc trước vào, đợi canh sôi lại tức là rau đã chín, nêm nếm lượng hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp ngay kẻo đun lâu rau sẽ bị nhũn và nồng.

Canh mướp đắng nấu thịt

Canh mướp đắng nấu thịt dễ làm, có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa lợi tiểu, bổ sung khí huyết, ổn định nhịp tim….

Cách làm: Mướp đắng cắt khúc, nạo sạch ruột, ngâm vào nước muối pha loãng cho bớt đắng.

Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, băm nhỏ; Nấm hương ngâm nở, cắt chân, băm nhỏ.

Trộn thịt xay với gia vị, dầu ăn, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu.

Hành và mùi rửa sạch, thái nhỏ.

Sau đó, nhồi thịt vào mướp đắng. Đun sôi nước, cho gia vị, rồi thả mướp vào. 

Tắt bếp rồi thêm hành, mùi vào, lấy ra bát, dùng với cơm.

Canh hến nấu bầu

Canh hến nấu bầu mát lành, lạ miệng giúp "đưa cơm" hơn trong những ngày hè oi bức.

Cách làm: Hến mua về ngâm rửa cho sạch, rồi cho nước vào nồi luộc chín, lọc lấy nước để riêng. Nhặt hoặc đãi bỏ vỏ hến, phần thịt hến ướp với một chút hạt tiêu, nước mắm và muối cho vừa rồi để ngấm gia vị trong khoảng 10 phút.

Bầu gọt bỏ, rửa sạch, băm hoặc dùng nạo nạo thành sợi nhỏ.

Cho dầu vào chảo, phi thơm hành tím băm rồi cho hến vào xào sơ, xúc ra để riêng.

Cho nước luộc hến lên bếp, đun sôi trở lại. Giữ lửa khoảng 1-2 phút rồi cho bầu vào. Khi nước sôi, cho hến đã xào sơ vào, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi rắc hành lá và thì là cắt khúc vào rồi tắt bếp.

Canh chín, cho thêm hành lá, thì là cắt khúc để dậy mùi thơm.

Theo Phương Liên/ Báo tin tức (tổng hợp)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)