Đây là đánh giá của các chuyên gia tâm lý về những ước mơ nghề nghiệp trong tương lai được các thí sinh thể hiện trong bài viết chủ đề “Ước mơ của tôi” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trường ĐH FPT tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) trao giải nhất cho em Nguyễn Lê Quỳnh Anh. Ảnh: T.Tri |
Cuộc thi Chắp cánh ước mơ lần 1 năm 2017 đã khép lại vào cuối tuần qua với những giải thưởng thuyết phục, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho các em. Dưới đây là những chia sẻ của 3 thí sinh đạt giải cao của cuộc thi.
Nguyễn Lê Quỳnh Anh (học lớp 11B1, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM): Giúp trẻ kém may mắn có tương lai tươi sáng
Bài viết Muốn trở thành người “thay đổi thế giới” của Quỳnh Anh đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi. Thế giới ở đây là thế giới trẻ khuyết tật, mồ côi… đang cần sự hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt là tinh thần, pháp lý… Quỳnh Anh chia sẻ: “Sau chuyến ngoại khóa thăm trẻ mồ côi và khuyết tật do trường tổ chức, hình ảnh những đứa trẻ kém may mắn đã làm thay đổi con người và suy nghĩ của em. Theo đó, em muốn thành người thay đổi thế giới – một nhà hoạt động xã hội để giúp các em nhỏ kém may mắn được đến trường, có tương lai tươi sáng hơn sau này. Bên cạnh đó, em muốn trở thành tiếng nói cho các em, đấu tranh cho những con người chịu sự kỳ thị của xã hội…”.
Quỳnh Anh cho biết, khi đã chuẩn bị đầy đủ các kế hoạch thì em sẽ chia sẻ rộng rãi trên trang cá nhân để mọi người cùng chung tay với ý tưởng này. Theo em, khó khăn lớn nhất khi bắt tay thực hiện dự án là tài chính; tuy nhiên em tự tin rằng, với vốn ngoại ngữ của mình và những việc làm cụ thể sẽ thuyết phục được bạn bè trong và ngoài nước chung tay thực hiện những ước mơ, hoài bão còn dang dở. Quỳnh Anh cho biết thêm, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2018, em sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí và truyền thông cũng là để thể hiện tiếng nói của mình, đấu tranh chống bất công mà nhiều trẻ em đang gặp phải.
Nguyễn Đôn Quốc (học lớp 11A7, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM): Hun đúc tình yêu lịch sử
Ông Nguyễn Trường Sơn (Phó Giám đốc Văn phòng khối giáo dục FPT tại TP.HCM) trao giải nhì cho em Nguyễn Đôn Quốc. Ảnh: T.Tri |
Trong bài viết Mình sẽ làm gì sau này? gửi tham gia cuộc thi (bài đạt giải nhì), Đôn Quốc viết: “Tôi tự hào khi nói với bạn bè khắp nơi rằng: Đây là dân tộc Việt Nam, một dân tộc dù trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ vẫn giữ được bản sắc, truyền thống riêng biệt, giữ được tiếng nói của mình. Và cũng chính dân tộc này đã chiến thắng hai đế quốc Pháp – Mỹ hùng mạnh để giành độc lập, tự do cho nước nhà…”. Em hun đúc tình yêu lịch sử và muốn trở thành một giảng viên dạy lịch sử cũng xuất phát từ niềm tự hào ấy. Đôn Quốc nói: “Công việc này sẽ cho em cơ hội chia sẻ với lớp trẻ niềm say mê, hứng thú với lịch sử, trân quý và cảm phục trước những công lao của ông cha ta đã để lại, những tấm thân đã ngã xuống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhưng hơn thế nữa là niềm đam mê trong chính con người em – em say mê tìm hiểu lịch sử, và chính đam mê đó đã dẫn em kiên định đi theo con đường mình đã chọn”. Để hiện thực hóa cho ước mơ của mình, Đôn Quốc không ngừng rèn luyện, nâng cao kiến thức lịch sử, kỹ năng giao tiếp, hùng biện trước đám đông, cũng như khả năng thuyết phục, truyền cảm hứng. Với những kiến thức lịch sử trau dồi, em là một thành viên xuất sắc của đội tuyển lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân.
Trần Kim Ngân (học lớp 11A7, Trường THPT Phước Vĩnh, Bình Dương): Trang bị kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ
Ông Lê Bình Trung (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT) trao giải ba cho em Trần Kim Ngân. Ảnh: T.Tri |
Từ những năm học THCS, Kim Ngân đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà tâm lý học để trang bị kiến thức tâm lý cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đất chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là trong thời điểm nạn xâm hại tình dục ngày một tăng. Ý thức được hoàn cảnh và điều kiện gia đình, để nuôi dưỡng ước mơ ấy, Kim Ngân luôn phấn đấu học tập. Theo em, đó là con đường để em thoát cảnh nghèo. Ngoài thời gian học, em còn đi cạo mủ cao su, bán hoa tươi vào ngày lễ, tết để phụ mẹ tiền trường. “Bố mất sớm vì căn bệnh ung thư. Với đồng lương công nhân không ổn định tại Công ty cao su Phước Hòa, mẹ tảo tần cho hai chị em ăn học. Ước mơ của em cũng chính là món quà em dành tặng bố nơi chín suối”, Kim Ngân chia sẻ. Được biết, chị gái Kim Ngân đang là sinh viên năm cuối Trường CĐ Y tế Bình Dương và cũng là người đồng hành trên con đường thực hiện ước mơ của em.
Trong bài viết Tôi của tuổi 17 đạt giải ba, Kim Ngân đã chuyển tải thông điệp “dù khó khăn thế nào cũng không từ bỏ ước mơ của mình”.
Trần Anh (ghi)
Bình luận (0)