Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Like và share – Con dao hai lưỡi

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện cô bé 15 tuổi ở tỉnh Đồng Nai tự tử do bị bạn trai tung clip sex lên mạng khiến dư luận rúng động suốt mấy ngày qua. Sau cái chết thương tâm đó, nhiều lý do được đưa ra, trong đó, không thể không nhắc đến sự tác động của truyền thông mạng đã góp phần đẩy cô bé đến hành động tiêu cực. Hiện nay, mạng xã hội và những tác dụng phản cảm của nó đang bao trùm lên một bộ phận rộng lớn người trẻ.

Mạng xã hội đang chi phối một bộ phận giới trẻ

Like và share vô tội vạ

Ngay sau khi đoạn clip trên được bạn trai của cô bé trên tung lên mạng, ngay lập tức, đã có hàng trăm người sử dụng Facebook chia sẻ (share) đường dẫn của clip trên trang cá nhân của mình. Có một người chia sẻ trên trang cá nhân và chỉ trong vòng 4 giờ sau đó, chia sẻ trên nhận được trên 5.000 lượt thích (like). Qua thống kê, trên mạng xã hội, clip trên đã thu được hàng trăm ngàn lượt xem.

Nhiều người nhanh tay tải về chia sẻ trên các diễn đàn, kênh YouTube, blog cá nhân; thậm chí đính kèm (tag) tên bạn bè của mình vào để xem. Kéo theo đó là những lời bình luận thiếu văn hóa và miệt thị về những nhân vật chính trong clip mà không biết được rằng đó chỉ là một cô bé sinh năm 2000 và còn đi học. Đỉnh điểm, rất nhiều người truy tìm bằng được trang cá nhân của cô bé trên Facebook, vào “khủng bố” bằng những câu mạt sát. Facebook riêng của cô trong chốc lát được cả ngàn người bấm nút “theo dõi”, để có đủ điều kiện được xem ảnh riêng tư, được xem bình phẩm và kể cả buông lời xúc phạm.

Trước đó, đã có một số trường hợp sau khi bế tắc và xấu hổ khi bị bạn bè, người yêu bêu xấu trên mạng xã hội, đã tìm đến cái chết. Đó là một nữ sinh ở Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị một bạn nam cùng lớp ghép ảnh phản cảm, đưa lên Facebook làm trò cười. Một nữ sinh khác ở Đà Nẵng uống thuốc tự tử, may mắn được gia đình phát hiện và cứu chữa kịp thời sau khi hình ảnh được đưa lên trang “Bộ mặt thật của hotgirl Đà thành” với mục đích câu like. Do không chịu được áp lực bị thóa mạ với những lời lẽ tục tĩu trên trang này, nữ sinh trên đã nghĩ quẫn… 

Gần đây nhất là vụ về Thánh Cô Cô Bóc dùng mạng xã hội để tung những thông tin nói xấu những người trong giới showbiz. Những thông tin đó rõ ràng là không được kiểm chứng và chưa biết có phải là sự thật hay không nhưng có rất nhiều người đón đọc và chia sẻ cho nhau với sự phát tán mạnh mẽ trên mạng. Những thông tin đó vô hình trung làm ảnh hưởng tới danh tiếng của những người là nạn nhân. Hay vấn đề phân biệt vùng miền cũng được giới trẻ đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích chia rẽ cộng đồng. Nhiều cá nhân, tổ chức lập ra những trang (page) với mục đích chỉ để chửi bới và công kích lẫn nhau thể hiện những hành vi vô văn hóa, đăng hình cá nhân, video làm hạ uy tín, tư cách lẫn nhau…

“Cuộc chơi” trên mạng xã hội

Từ những việc hết sức nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cũng được các bạn trẻ đưa lên Facebook để bàn tán, có những lời tán dương, khen ngợi nhưng cũng có những lời lẽ lăng mạ, xỉ nhục… khiến giới trẻ ngày đêm chìm đắm trong cộng đồng ảo mà ở đó họ được thể hiện mình.

Một người dùng Facebook – chị Phan Thị Thuận (quận 2, TPHCM), cho rằng: “Ngôn ngữ trên mạng vô chừng lắm, tuy rằng Facebook gắn kết con người lại với nhau nhưng nó cũng làm nguời xấu đến gần hơn với mình. Chính vì thế mà tôi tuyệt đối hạn chế chấp nhận lời mời kết bạn từ những người mình không quen ngoài đời, vì một khi đã chấp nhận “làm bạn” thì có nghĩa là mình đã đồng ý chia sẻ những chuyện cá nhân của chính mình cho một người mà mình không quen biết”.

Cô Nguyễn Thị Thảo Nhân, giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho rằng: “Dấn sâu vào cuộc chơi trên mạng xã hội đồng nghĩa với việc các bạn trẻ tự đưa mình vào những mối nguy, thảm họa không có hồi kết. Hình ảnh thông tin cá nhân không được bảo mật chặt chẽ dễ rơi vào tay người khác và bị đem đi sử dụng nhằm mục đích xấu. Mạng xã hội còn bị kẻ xấu lợi dụng để truyền bá những thông tin xấu, phản động gây ảnh hưởng đến xã hội thực”.

Về vụ việc đau lòng của cô bé 15 tuổi ở Đồng Nai vừa qua, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Đây là việc một con người dễ dàng bị phán xét từ những người xung quanh vì nhu cầu khẳng định và thể hiện mình đều tồn tại. Đặc biệt, với một xã hội mở như thế giới phẳng ngày hôm nay, người ta vô tứ ném đá, dè bỉu, phê bình, chỉ trích xét ra không quá khó. Chỉ cần vài cái gõ phím, vài giây có thể cho người khác lên bờ – xuống ruộng hay thậm chí đi về nơi xa vĩnh viễn. Sự việc của bé gái đã qua và chúng ta có thể nhìn nhận một cách công tâm.

Có lẽ những ai đã tấn công, phê phán hoặc chỉ trích em sẽ cũng cần dành chút cảm xúc áy náy, ăn năn… Pháp luật chỉ xử người dụ dỗ em, người tung clip chứ không thể xử người đã ném đá là vậy. Nhưng người trong cuộc cũng cần nhìn nhận lại mình vì gián tiếp hay trực tiếp cũng đã làm một sinh mạng bị mất đi”…

Theo Thành Sơn- Thu Hường/ SGGP

Bình luận (0)