Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những gia đình nhà giáo văn hóa: Kỳ 2: Hạnh phúc là được cống hiến cho đời

Tạp Chí Giáo Dục

Say mê học tập, nghiên cứu và giảng dạy, nỗ lực chăm lo cho gia đình ấm êm, hạnh phúc, con cháu thành đạt. Đó là những thành quả mà gia đình của PGS.TS Trần Tuấn Lộ – NGƯT Lê Minh Nga đã và đang có. Nhưng với họ, hạnh phúc thật vẹn tròn khi còn được cống hiến cho đời.

Say mê cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Là một trong những suất “con em cán bộ” được Bác Hồ cho sang Trung Quốc học ngành sư phạm, sau khi hoàn thành khóa học 3 năm, khi 19 tuổi, cô giáo trẻ Lê Minh Nga trở về nước vào ngày giải phóng thủ đô năm 1955, và giảng dạy ở Trường Nữ tiểu học Hải Dương. Cũng trong năm này, tại Đại hội thi đua của ngành cô giáo trẻ và thầy Hiệu trưởng 25 tuổi, Trần Tuấn Lộ đến từ Thái Bình lần đầu tiên quen biết nhau. Một năm sau, họ nên duyên vợ chồng.

Đại gia đình của PGS.TS Trần Tuấn Lộ – NGƯT Lê Minh Nga

Sau khi hòa bình trở lại, thầy Lộ được điều vào Nam trở thành Viện phó Viện Khoa học giáo dục phía Nam. Sau đó, thầy làm việc tại Ban Khoa giáo Thành ủy rồi về hưu.

Năm 1975, cô Nga đi chi viện miền Nam theo chỉ đạo của bộ và trở thành Hiệu phó Trường Sư phạm mẫu giáo TP.HCM vào năm 1976. Hai năm sau, cô được điều lên làm Phó phòng Giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TP.HCM. Vào năm 1980, cô được bộ cử đi thực tập chuyên môn ở Liên Xô trong khoảng thời gian một năm. Trở về nước cô làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương tại TP.HCM từ năm 1981 đến 1994. Cũng trong khoảng thời gian này, cô được công nhận là NGƯT vào năm 1990. Đến tháng 2-1994 cô nghỉ hưu.

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng đôi vợ chồng đẹp đôi ấy luôn tâm niệm “còn sức khỏe thì còn cống hiến” và bằng chứng là họ vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho giáo dục, cho xã hội. Từ khi về hưu, PGS.TS tâm lý giáo dục Trần Tuấn Lộ đảm đương chức vụ Trưởng khoa Tâm lý giáo dục của Trường ĐH Văn Hiến, tham gia viết bài hoặc các hội thảo chuyên ngành. Cũng  như chồng mình, NGƯT Lê Minh Nga sau khi nghỉ hưu được 3-4 tháng, cô đã nhiệt tâm công tác tại Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu hôn nhân gia đình ngay từ những ngày đầu thành lập.

Nỗ lực xây dựng mái ấm gia đình

“Gia đình chúng tôi luôn gắn kết với nhau. Tính đến nay đã cưới nhau được 59 năm, hai vợ chồng vẫn hứa trọn đời bên nhau và yêu thương nhau đến cùng”. Niềm trung tín sắt son ấy của đôi vợ chồng tròn 50 năm tuổi Đảng, đã cho ra đời 4 người con trai thanh, gái tú, ngoan hiền và giỏi giang. Kể về con cái, cô Lê Minh Nga không giấu nổi niềm tự hào. Không tự hào sao được, khi con cái họ đều tốt nghiệp ĐH và thành đạt. Năm ngoái, người con gái lớn là giáo viên dạy toán ở Trường THPT Trưng Vương mới về hưu, người con gái thứ 2 là kỹ sư Trường ĐH Bách khoa ngành hóa thực phẩm, cô con gái thứ 3 hiện làm Trưởng chi nhánh cho một công ty xuất nhập khẩu của Hàn Quốc tại TP.HCM, còn người con trai út tốt nghiệp thạc sĩ tại Mỹ và hiện đã có doanh nghiệp riêng. Không chỉ vui với niềm vui con cái thành tài, mà 6 đứa cháu nội, ngoại cũng là niềm tự hào không kém cho gia đình. 4 cháu nhỏ luôn đạt học sinh giỏi, còn hai cháu lớn thì một người vừa mới tốt nghiệp ĐH bằng xuất sắc ở Singapore và được một ngân hàng của Mỹ ký hợp đồng làm việc. Người cháu còn lại đã là kiến trúc sư cho một tập đoàn xây dựng của Australia.

Trong ký ức của những người đồng nghiệp cũ, họ vẫn kể cho nhau nghe về hình ảnh đẹp của một nhà giáo gương mẫu trong việc luyện rèn con cháu ý thức và đức tính tự lực trong học tập; một nhà giáo đạo đức, có tri thức sâu sắc, uyên bác, và rất mực yêu thương, tận tụy với vợ con. Người ta cũng không quên nhắc đến hình ảnh của người thầy này trong những ngày còn khó khăn, sau khi rời sở ông đã vội vã chạy xe đạp đến trường mẫu giáo Trung ương để đón vợ, nhưng ông thường chỉ chọn ngồi ở chiếc ghế đá trước cổng bảo vệ, vì ngại vào phòng chờ thì người ta sẽ nói mình “lợi dụng” vợ làm hiệu trưởng nên chọn ngồi chỗ mát mẻ. Có lẽ chính vì “biết người, biết ta”, cho nên bất kỳ công tác ở cơ quan nào, cả hai vợ chồng đều được đồng nghiệp khen là một gia đình hạnh phúc, đầm ấm, gương mẫu.

Bài, ảnh: Bích Vân

Tuy không phủ nhận những nỗ lực cả hai cùng xây dựng, nhưng cô Lê Minh Nga cho rằng “nền tảng gia phong và cuộc sống hạnh phúc của gia tộc hai bên cũng là những yếu tố quyết định”. Thân sinh của PGS.TS Trần Tuấn Lộ là nhà văn nổi tiếng Trần Thanh Mại, người đã được đặt tên đường ở cả 3 nơi là Huế, TP.HCM và Đà Nẵng. Thân sinh của NGƯT Lê Minh Nga là một vị lão thành cách mạng, sống gương mẫu, đạo đức và rất mực chu đáo trong việc giáo dục con cái, cháu chắt.

 

Bình luận (0)