Nhà giáo Nguyễn Thanh Hòa sau 30 năm gắn bó với bục giảng, khi về hưu đã trở thành ông chủ bến đò An Phú Đông (quận 12, TP.HCM). Gần 20 năm hoạt động những chuyến đò của ông giáo già đưa đón miễn phí cho học sinh an toàn mỗi ngày. Bến đò đã được Ban ATGT thành phố tặng giấy khen là bến đò an toàn – tiện nghi nhất thành phố.
Ước mơ làm thầy giáo của cậu bé chăn trâu
Ông kể mình được sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông ở Tiền Giang. Vì kinh tế gia đình quá khó khăn, lại không có giấy khai sinh nên đã 10 tuổi mà cậu bé Nguyễn Thanh Hòa vẫn chưa được đến trường. May thay một gia đình phú nông biết cậu ham học, nên thuê cậu về chăn trâu cho gia đình và thỏa thuận là chỉ cần cho trâu ăn no, rồi cậu sẽ được đi học. 14 tuổi mới bắt đầu vào học lớp 1 nhưng cậu bé rất thích thú.
Phà An Phú Đông phục vụ miễn phí hơn 1.000 học sinh và người nghèo mỗi ngày |
Việc học hành chưa được bao lâu cha mẹ cậu quyết định rời quê và dắt díu nhau lên TP.HCM kiếm sống. Không có tiền thuê nhà trọ, họ phải dựng lều ở gần Bến xe Miền Tây ở tạm rồi kiếm việc trong bến xe để mưu sinh. Thế là cậu bé ban ngày bán trà đá ở bến xe, ban đêm đi học phổ cập. Kiên trì mãi rồi cũng đến ngày cậu thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM và trở thành thầy giáo như đã mơ ước vào tuổi 27. Ngay sau đó, thầy giáo Hòa về giảng dạy ở Trường THCS Phước Khánh ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Trong khoảng thời gian 1973-1975, thầy làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thạnh cũng thuộc huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, vì đồng lương eo hẹp nên sau giờ học, thầy lại chạy xe đạp thồ và sửa xe đạp để kiếm thêm thu nhập. Đến năm 1990, thầy giáo Hòa nghỉ hưu ở tuổi 61.
Khởi nghiệp với 80.000 đồng
Bến đò An Phú Đông nối liền giữa phường An Phú Đông (quận 12) và phường 5 (quận Gò Vấp). Trung bình mỗi ngày bến phục vụ nhu cầu đi lại của khoảng 7.000 khách, trong đó khoảng hơn 1.000 học sinh và người nghèo được phục vụ miễn phí. |
Sau khi nghỉ hưu, ông giáo già cùng vợ con về phường An Phú Đông (quận 12) sinh sống trong một căn nhà lá nghèo nàn. Mỗi ngày ông phải qua bên sông (quận Gò Vấp) để xin những đồ ăn dư thừa trong quán ăn về nuôi heo. Nhiều khi qua sông trên chiếc đò chèo vốn mỏng manh nhưng chở quá tải, chòng chành. Chứng kiến cảnh học sinh phải lên xuống đò trên chiếc cầu bến chỉ rộng khoảng 5 tấc phủ đầy rong rêu, nhiều em bị té lên té xuống lấm lem quần áo, bỏ lỡ buổi học, lòng ông không an. Cũng đã có lần thấy cảnh chiếc đò chèo chỉ dài khoảng 6-7m, rộng 1,5m, chở nặng rồi lật, khiến quần áo, tập vở của học sinh ướt sũng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sau lần đó ông quyết tâm “chờ thời” để đấu thầu bến đò. Mục đích không phải để làm giàu như bao chủ đò khác, mà cái chính là ông muốn tự tay đưa đón học sinh và người dân qua đò an toàn trên dòng sông Vàm Thuật này.
Rồi ngày ấy cũng đã đến. Lúc đó là thời điểm của năm 1996, phường có thông báo tổ chức phiên đấu thầu bến đò. Nghĩ là làm, ông giáo nghèo mặc dù vợ ngăn cản nhưng ông quyết tâm cùng đấu thầu với khoảng chục người thuộc hạng giàu có, trung lưu. Sau nhiều đợt ra giá xoay tua, từ 500 ngàn, rồi lên đến 5 triệu đồng. Cuối cùng ông giáo đã trúng thầu với giá 5,2 triệu. Thật trớ trêu là lúc “trúng” rồi thì ông giáo lại lo sốt vó vì phường yêu cầu trong 3 ngày sau đó phải đóng phí 2 tháng liền trước khi ông chủ mới đưa bến vào hoạt động. Vét túi trong gia đình chỉ vỏn vẹn 80.000 đồng, quay đi ngoảnh lại họ hàng ai cũng nghèo như mình, nên ông giáo liền bấm bụng tức tốc vay mượn khắp nơi. Cuối cùng, số tiền cần đóng là 10.400.000 đồng đã chạy đủ. Tiếp đó ông lại phải vay mượn mua sắm phương tiện mới để hoạt động.
Tự tay đưa khách, đưa học sinh qua sông đến trường an toàn, ông cảm thấy trong lòng đã an tâm hơn.
Bài, ảnh: Bích Vân
Để duy trì bến đò, vợ chồng ông giáo phải làm việc cật lực như chạy xe đạp thồ, sửa xe đạp, bán báo… Để việc phục vụ khách qua sông an toàn hơn, vào năm 2011, ông chủ đò đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt phà mới thay cho đò chèo trước đó. |
Bình luận (0)