Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa các môn thi. Theo Bộ GD-ĐT, các trường căn cứ vào đề thi minh họa năm 2019 để thực hiện ôn tập cho học sinh. Nhiều nhà giáo cho rằng quyết định trên đã thể hiện tính ổn định của kỳ thi THPT quốc gia, tạo sự chủ động cho các trường trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh…
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương trong giờ học
Hạn chế việc học sinh học lệch, đoán đề…
Theo thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức), việc Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đã được các thầy cô giáo dự đoán từ đầu năm học. Bởi như đề thi minh họa năm trước, mức độ không sát với nguyện vọng của học sinh cũng như công bố trễ so với kế hoạch ôn tập của các trường. Việc công bố đề thi minh họa sẽ làm cho kế hoạch giảng dạy của giáo viên không tập trung. Ví dụ mảng kiến thức đó không được đề cập trong đề minh họa, khi giảng dạy, giáo viên rất có thể sẽ bỏ qua, hay dạy lướt, học sinh không ôn tập, kiến thức sẽ không đảm bảo đúng phân phối chương trình. “Khi Bộ GD-ĐT thông báo không công bố đề thi minh họa năm 2020 mà dựa vào đề minh họa của năm trước sẽ giúp cho tình hình giảng dạy của các trường ổn định, dàn đều, không phải rơi vào một vài điểm trọng tâm như trong đề minh họa. Kế hoạch giảng dạy của nhà trường cũng có sự chủ động. Bên cạnh đó, khi không công bố đề thi minh họa cũng sẽ tránh được tình trạng học sinh học tủ, học lệch, loại trừ”, thầy Bình thông tin. Không những thế, thầy Bình cho rằng khi Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa cũng là cách để hạn chế việc “sinh sôi nảy nở” những trang mạng xã hội dự đoán đề rất nguy hiểm cho học sinh.
“Như trút được một nỗi lo” là cảm xúc của thầy Nguyễn Tiến Hỷ (Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long, Q.9) khi biết thông tin Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa năm 2020. Thầy Hỷ phân tích: “Mọi năm, trong kế hoạch giảng dạy học sinh lớp 12 của trường đều chừa ra một số nội dung để đợi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa. Không riêng gì nhà trường, học sinh cũng thế, cũng mang tâm lý đợi có đề thi minh họa mới bắt tay vào ôn tập. Năm nay, Bộ GD-ĐT thông tin sớm sẽ không công bố đề thi minh họa, nội dung thi giữ ổn định như năm trước thì nhà trường, giáo viên, học sinh sẽ có sự chủ động, không quá phụ thuộc vào một số mảng kiến thức nào, từ đó tránh tâm lý hoang mang cho các em”.
Trong khi đó, thầy Kiều Tấn Tiệp (Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc, Q.Bình Tân) nhận định, hạn chế lớn nhất của việc không công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 là vô hình trung khiến học sinh và giáo viên có thể sẽ “ôm đồm” quá nhiều kiến thức. Mặc dù đề thi có thể vẫn giữ nguyên tính ổn định như mọi năm, tuy nhiên nội dung trọng tâm không được khoanh vùng sẽ tạo ra những áp lực khác đối với giáo viên, học sinh.
Mạnh dạn xây dựng kế hoạch ôn tập
Ngay sau khi thông tin đề thi THPT quốc gia năm 2020 giữ ổn định như năm trước, lãnh đạo Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) đã thông báo đến từng tổ bộ môn chủ động lên kế hoạch ôn tập và giảng dạy đối với học sinh lớp 12. Thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, giáo viên có thể dựa vào kế hoạch năm trước để ôn tập cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh yếu, giáo viên sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng cụ thể cho các em trong từng tiết dạy. “Năm vừa rồi, kỳ thi đã thể hiện được sự thay đổi, hoàn thiện trong từng khâu từ coi thi, nội dung đề thi thì năm nay, việc giữ tính ổn định của kỳ thi đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tâm lý học sinh, giáo viên. Các em học sinh sẽ yên tâm học tập thay vì thấp thỏm lo âu trước những thay đổi của kỳ thi”, thầy Khương chia sẻ.
Thời điểm này, Trường THPT Hùng Vương (Q.5) đang lên kế hoạch chi tiết cho việc ôn tập, chuẩn bị cho học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2020 tốt nhất. Thầy Nguyễn Vân Yên (Hiệu trưởng nhà trường) khẳng định: “Khi Bộ GD-ĐT đã nhấn mạnh về tính ổn định của kỳ thi thì các trường yên tâm hơn để giảng dạy, ôn tập cho học sinh. Giáo viên sẽ mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy ở từng môn học”. Cụ thể, theo thầy Yên, song song với việc trang bị kiến thức nền trong chuẩn chương trình, ở các giờ luyện tập buổi 2, giáo viên sẽ ôn tập theo hướng đào sâu kiến thức với từng đối tượng học sinh. “Chưa năm nào vào thời điểm này mà nhà trường, giáo viên, học sinh không “ngóng” đề thi minh họa. Do vậy, khi Bộ GD-ĐT thông tin đề thi minh họa như năm trước, học sinh và giáo viên rất hân hoan. Không phải hân hoan do mức độ đề thi năm trước dễ mà hân hoan về tính ổn định, nhất quán của kỳ thi, từ đó các em sẽ mạnh dạn xây dựng được kế hoạch ôn tập, bổ sung những kiến thức nào mình thiếu sót…”, thầy Yên cho biết.
Với việc Bộ GD-ĐT ổn định đề thi, các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã bắt đầu triển khai kế hoạch giảng dạy của đơn vị được xây dựng từ đầu năm học. Cạnh đó, nhiều trường đã lên kế hoạch tỉ mỉ trong bồi dưỡng học sinh gắn với tính ổn định của mùa thi trước.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)