Tiếng Việt luôn tự làm giàu vốn từ của mình bằng cách vay mượn và Việt hóa nhiều từ của tiếng nước ngoài, đồng thời tự tạo ra những từ mới và cách diễn đạt mới.
Theo tác giả, giáo viên cần khơi gợi tinh thần yêu quý tiếng Việt cho học sinh, đồng thời giúp các em có thêm vốn từ mới. Trong ảnh: Một tiết học môn văn của học sinh THPT. Ảnh: Anh Khôi
Trong quá trình dạy tiếng Việt cho học sinh, giáo viên cần quan tâm đến yếu tố này, nhằm khơi gợi tinh thần yêu quý tiếng Việt cho các em, đồng thời giúp các em có thêm vốn từ mới. Trải qua thời gian, trong quá trình giao lưu văn hóa và ngôn ngữ, tiếng Việt đã dùng những yếu tố, những chất liệu và quy tắc sẵn có trong ngôn ngữ dân tộc để cấu tạo từ mới. Đó là trường hợp của bidon (trong tiếng Pháp) để trở thành bình tông (hoặc bình toong), với chữ bình trong bình tích, bình trà…; hay cresson (từ tiếng Pháp) thành cải xoong, là một loại cải như cải xanh, cải bẹ… Hoặc Việt hóa một số từ mượn để trở thành từ tiếng Việt, như vaccine (cả trong tiếng Anh và tiếng Pháp) mang nghĩa là “yếu tố mang mầm bệnh đã giảm độc tính, dùng đưa vào cơ thể để tạo miễn dịch, chủ động phòng bệnh” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, năm 2010, trang 1.400) để trở thành một từ mới là “vắc xin” và coi như đó là một từ tiếng Việt (có gốc từ tiếng nước ngoài) chứ không phải là một từ tiếng nước ngoài được phiên âm (thành “vắc-xin”). Hay có hiện tượng rút gọn các từ đã có để hình thành từ mới. Chẳng hạn, khiếu tố là từ được hình thành trên cơ sở rút gọn của khiếu nại và tố cáo; khoa giáo (khoa học và giáo dục); thanh thiếu nhi (thanh niên, thiếu niên và nhi đồng); bàn thảo (bàn bạc và thảo luận); nhắc nhớ (từ cụm: nhắc lại cho nhớ); kích cầu (từ cụm: kích thích nhu cầu tiêu dùng)… Hay có không ít từ rút gọn nhưng mang nghĩa khác với nghĩa gốc vốn có của nó. Chẳng hạn, quan ngại có nghĩa là “ngăn cản, trở ngại” thì nay thành quan tâm, lo ngại; trân quý vốn mang nghĩa “quý báu” thì bây giờ là trân trọng, quý mến; thục luyện do từ “thành thuộc và lão luyện” mà nên nay lại là luyện tập cho thành thục; vi diệu có nghĩa là “mầu nhiệm, huyền diệu” thì trở thành tinh vi, kỳ diệu; vấn nạn là “hỏi vặn” thì nay trở thành vấn đề phức tạp (không tốt), cần được khắc phục… Đặc biệt, trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp, người Việt (nhất là giới trẻ) đã kết hợp các yếu tố có sẵn để mang một nghĩa mới, như cơm bụi, cơm tù, xe dù… Trong đó, cơm bụi là từ để chỉ cơm ăn ngoài vỉa hè có nhiều bụi bặm, rộng hơn là “cơm hàng cháo chợ” chứ không phải cơm được nấu và ăn trong gia đình. Còn cơm tù là cơm bị ăn trong tâm thế bị ép buộc và thường phải chịu một cái giá không hề rẻ trong khi cơm lại không ngon như mong muốn. Xe dù là xe chở khách chạy không có giấy phép theo quy định mà vẫn chạy như xe có giấy phép (xe dù thường gắn với bến cóc, tức là bến/trạm đón khách tự phát, xe đón xong thì bến không còn hoặc thường xuyên chịu sự truy đuổi của cơ quan chức năng nhưng sau đó lại tái diễn – vốn có ý nghĩa từ thành ngữ “bắt cóc bỏ dĩa”). Sự bổ sung các hình thức diễn đạt cũng là một nét độc đáo đáng tìm hiểu, giới thiệu. Chẳng hạn, những thành ngữ mới kiểu “nhỏ như con thỏ”, “phê như con tê tê”, “chán như con gián”… được khá nhiều người dùng bởi tâm lý thích và quen dùng câu có vần. Hoặc kiểu diễn đạt “hơi bị” có lúc cũng là trào lưu, như “hơi bị đẹp” (ý nói là (khá) đẹp), “hơi bị hay” (ý nói là (khá) hay)…
Tuy nhiên, trong giảng dạy, cần lưu ý học sinh sử dụng các từ mới một cách hợp lý, bảo đảm ý nghĩa và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu phát hiện học sinh sử dụng (trong giao tiếp, bài kiểm tra, bài thi…) thì cần chú ý nhắc nhở, định hướng. Chẳng hạn, tránh sử dụng các từ rút gọn không thực sự phù hợp như trường hợp của chăm bồi (chăm sóc và bồi dưỡng), cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ), cô súc (cô đọng và súc tích), thanh thải (thanh lý, thải loại), thiếu đói (thiếu ăn và đói ăn), trao truyền (trao lại, lưu truyền)… Hoặc cần lưu ý hiện tượng kết hợp sai quy cách giữa một từ Hán – Việt và một từ thuần Việt (như trường hợp của cát tặc, tôm tặc, mía tặc…). Bên cạnh đó, cần quan tâm hạn chế sự lạm dụng các cách diễn đạt mới, vốn chưa chặt chẽ về cấu trúc từ, về nghĩa, về sự trong sáng của tiếng Việt và thường chỉ phù hợp văn nói. Thí dụ: Trong bài kiểm tra, bài thi sẽ khó chấp nhận cách diễn đạt “hơi bị”, “có một sự thích nhẹ”, “dù có nghèo cũng cho Tèo đi học”, “500 anh em”, “ông chú ở Viettel”, “chán như con gián”, “ngay và luôn”, hoặc dùng từ “đắng lòng”, “cạn lời”, “soái ca”…
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta quá khắt khe với các ngôn ngữ mới mẻ, trào lưu, vui nhộn của học sinh nhưng phải xây dựng cho các em một nhận thức rằng, những từ mới, các cách diễn đạt mới chỉ phù hợp với một hoàn cảnh cụ thể nào đó (chẳng hạn trong giao tiếp đồng trang lứa với nhau, trong điều kiện vui vẻ hoặc khi cần trích nguyên văn các giao tiếp đó) mà không thể dùng lấn sang các hoàn cảnh khác (trong văn viết, trong giao tiếp với người trên hoặc ở các trường hợp mang tính nghiêm trang). Và, nói như một số người, từ mới, cách diễn đạt mới để vui thì ta nên chấp nhận nhưng “vui thôi, đừng vui quá”!
Trúc Giang
Bình luận (0)