Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhộn nhịp chợ đồ điện cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Trên địa bàn TP.HCM có khá nhiều khu vực bán đồ điện cũ. Trong đó, đoạn từ giao lộ Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn được nhiều người biết đến là khu chợ điện tử lề đường nổi tiếng.

Hàng gì cũng có

Nếu như trước đây, vỉa hè thuộc đường Nguyễn Kiệm giao với Nguyễn Thái Sơn là “thiên đường” của điện thoại cũ giá rẻ thì hiện nay mặt hàng nào cũng có, từ điện thoại di động đến phụ kiện máy tính, máy tính xách tay, quạt máy, nồi cơm điện… Đường Nguyễn Kiệm không chuyên bán hàng điện tử lâu đời như đường Hùng Vương hay chợ Nhật Tảo nhưng vẫn thu hút được khá nhiều người. Mỗi buổi chiều, khu vực này lại trở nên náo nhiệt. Dạo qua đoạn đường này vào một chiều cuối tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với tên gọi khu chợ lạp xoong (chợ đồ cũ) mà nhiều người đã gán tên gọi cho đoạn đường này.

Những “cửa hiệu” lề đường, không tên luôn là điểm đến của những ai muốn tìm cho mình một mặt hàng cũ đã qua sử dụng. Kê một cái ghế nhựa nhỏ bên cùng với tấm bạt nhỏ bày đầy đủ nhiều mặt hàng, anh Hàng cho biết anh có thâm niên bán ở đây 5 năm. Nhiều người đã trở thành khách hàng quen thuộc của anh. Có người ra đây để tìm những món đồ lạ, có người tìm những đồ dùng mình đang cần mà đôi khi không thể mua ở những nơi khác. Với lợi thế giá thành rẻ, tự do lựa chọn, trả giá nên chợ lạp xoong dạng như thế này vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua.

Một tiệm chuyên bán quạt máy cũ trên đường Nguyễn Kiệm

Trong vai khách hàng đang cần tìm mua một chiếc ăng-ten ti vi trong nhà, chúng tôi  dừng xe tấp vào vỉa hè trên đường Nguyễn Kiệm. Chỉ cần mấy giây, người bán đã lấy sản phẩm ra chào mời: “Lấy rẻ em chiếc ăng-ten này 20.000 đồng thôi. Giá vậy là rẻ nhất khu này rồi đó. Hàng này giờ hiếm lắm. Về xài không được có thể mang ra đổi”. Thấy chúng tôi có vẻ hài lòng với sản phẩm mua được, người bán tiếp lời: “Mới đi mua lần đầu phải không? Chỗ anh còn nhiều hàng lắm, cứ chọn lựa thoải mái. Có mấy chiếc quạt máy đời cũ nhưng xài tốt lắm. Nhiều người còn mua về trưng bày ở quán cà phê đó. Hàng cũ đảm bảo không đụng hàng”. Quan sát chiếc kệ bán của anh, chúng tôi còn thấy nhiều mặt hàng như sạc điện thoại cũ đến những thứ như loa, tai nghe và cả giày dép cũ và nhiều vật dụng gia đình khác. Nhìn qua bên cạnh, chúng tôi thấy vài khách hàng cũng đang lựa chọn cho mình một chiếc quạt ưng ý.

Lựa chọn một lúc, chúng tôi hỏi giá một chiếc quạt mini, người bán nhanh nhảu: “Hàng này của Nhật, cứ yên tâm đi. Giá 80.000 đồng nha”. Chúng tôi đáp lại: “50.000 đồng nha”. Anh chủ lại tiếp lời: “Ừ, lấy đi. Hôm sau ghé lại nữa nha”. Cuộc ngả giá diễn ra rất nhanh chóng.

Trên đoạn đường này có những cửa hàng chỉ chuyên bày bán quạt cũ, đủ các loại quạt từ quạt nội địa đến quạt ngoại nhập đã qua sử dụng. Nhiều chiếc quạt cũ nhưng được tân trang, có vỏ bọc cẩn thận, nhìn thoáng qua thì ít ai ngờ rằng đó là đồ cũ.

Cẩn trọng khi lựa chọn

Vì là đồ cũ nên đôi khi khách hàng phải chấp nhận may rủi. Không phải khách hàng nào cũng may mắn tìm được mặt hàng tốt, ưng ý. Anh Trần Việt Toàn (ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết: “Ở đây đa phần là hàng không có thẻ bảo hành nên nhiều khi mua cũng còn trông chờ vào sự may rủi. Nếu không có kinh nghiệm mua đồ cũ thì cũng “ớn” lắm vì có nhiều đồ cũ được người bán “phù phép” nên khách hàng khó mà nhận ra chỗ hỏng”. Ưu điểm lớn nhất khi mua bán đồ điện cũ là người mua có thể bỏ ra số tiền hợp với khả năng, đôi khi còn kiếm được “hàng độc”. Song theo kinh nghiệm của anh Toàn, mua hàng cũ cần phải kinh nghiệm mới có thể không “mắc bẫy” khi mang về nhà những món đồ nát, nhất là các mặt hàng cần phải kiểm tra máy móc như điện gia dụng, điện lạnh, điện tử, máy tính… Không ít người phải ngậm ngùi không biết kêu ai vì mua trúng hàng kém chất lượng.

Anh Bá Duy – chủ một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử – điện lạnh trên đường Cách Mạng Tháng Tám chia sẻ: “Nếu không có kinh nghiệm về đồ cũ thì đi mua nên nhờ người có kinh nghiệm đi theo cùng, nhất là các mặt hàng đồ điện tử, điện máy. Khi mua hàng cũng nên thỏa thuận với người bán về chế độ bảo hành vì đa phần những mặt hàng đã qua sử dụng, được bày bán ở chợ trời như thế hiếm khi có giấy bảo hành. Nhiều người bán vì lợi nhuận mà sẵn sàng dùng những “chiêu trò”, tân trang lại không khác gì đồ vẫn còn sử dụng được để qua mặt khách hàng”.

Bài, ảnh: Yên Hà

Theo những người bán ở đây, chợ điện tử lề đường này đã tồn tại hàng chục năm nay. Khi trời còn tờ mờ sáng, các đầu nậu (người đi cung cấp hàng) đã bày đồ ra khu vực này để bán. Những người mua đi bán lại sẽ nhanh chân kiếm cho mình nhiều mặt hàng để về  bán lại. 

 

Bình luận (0)