Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cách chữa bệnh chán học

Tạp Chí Giáo Dục

Đâu là lý do khiến học sinh rơi vào tình cảnh không còn mặn mà việc học, mê chơi hơn mê học, ngán học? Và phụ huynh cần làm gì để giúp con yêu thích việc học trở lại?

Học sinh một trường THPT ở TP.HCM trốn tiết vào quán net chơi game /// Ảnh: X.P
Học sinh một trường THPT ở TP.HCM trốn tiết vào quán net chơi game – Ảnh: X.P

Có học sinh không biết học để làm gì !
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sở dĩ học sinh (HS) chán học, thậm chí bỏ học thường xuyên là vì không biết học để làm gì.
 
 
 
Đừng để bố mẹ phải rơi nước mắt. Bố mẹ đang làm việc cực khổ, nên những học sinh lỡ chán học, hãy quyết tâm làm tốt công việc của mình trên ghế nhà trường

 
 
Tiến sĩ tâm lý NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
 

“Ít HS nào nhận thức được rằng việc học cũng như leo cầu thang, mỗi bậc càng ngày càng cao và khó, kiên trì bước lên từng bậc ắt sẽ phải mất sức. Học mỗi bài mới là hiểu biết hơn một chút, giải mỗi bài tập là thông minh hơn một chút. Hầu như HS chỉ cảm thấy "hại não" chứ không nhận ra những bài tập đó đang phát triển trí tuệ cho mình”, ông Hiếu nói.

Cũng theo chuyên gia này, HS bị đuối về phương pháp học cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chán học. Không thể lấy phương pháp học bài như thời lớp 5 mà áp dụng cho lớp 10. Nhà trường chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức mà ít tổ chức hướng dẫn về phương pháp học tập thông minh cho HS. Nếu học không có phương pháp, cũng như đi đường mà bị bịt mắt, chỉ mò mẫm một cách vất vả khổ sở, hiển nhiên kết quả thu được sẽ kém, dẫn đến việc HS bị nản.
Bên cạnh đó, một phần lỗi cũng do giáo viên bộ môn ít tạo động lực cho HS. “Rất ít giáo viên cho HS biết ý nghĩa của môn mình dạy. Thực ra, mỗi môn học đều có tác dụng của nó trong việc hình thành trí tuệ và bồi đắp phẩm chất của HS. Thế nhưng, không nhiều giáo viên quan tâm đến khía cạnh này mà chủ yếu chỉ thường phải chuyển tải chương trình sao cho kịp thời gian quy định”, ông Hiếu phân tích thêm.
Ngoài ra, vì chương trình học hiện nay "thừa mà thiếu". Nhiều nội dung cần như: kỹ năng sống, phát huy sức sáng tạo, kiến thức hiện đại… nhưng chương trình không đưa vào, trong khi đó rất nhiều nội dung không cần phải nhớ nhưng HS vẫn "phải nhai, phải nuốt, phải ngấm". Từ đó dẫn đến tâm thế chán học…
Cách chữa bệnh chán học - ảnh 3

Chở con đến trường nhưng phải đứng canh con, sợ con trốn học

Để con yêu thích việc học
Chia sẻ với người viết, không ít phụ huynh thừa nhận khi phát hiện con trốn học, đã dọa cho nghỉ học, thậm chí nhiều người không ngần ngại dạy con bằng đòn roi.
Bàn về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng hình thức kỷ luật bằng đòn roi, dọa cho nghỉ học… là không phù hợp và không có hiệu quả. Vì sử dụng hành vi bạo lực có thể ảnh hưởng tiêu cực lên nhân cách, hành vi của HS sau này. Lạm dụng đòn roi có thể dẫn đến sự chai lì về cảm xúc, thậm chí là sự chống đối từ con cái. Do vậy, cần chấm dứt việc dạy con bằng bạo lực. Còn nếu cho nghỉ học thật, thời gian rảnh rỗi quá nhiều sẽ sinh ra "nhàn cư vi bất thiện". HS bắt đầu lêu lổng, tụ tập, ăn chơi, nghiện game… là kết quả gần như tất yếu.
Theo ông Hiếu, muốn “chữa bệnh” chán học thì phải khám căn nguyên rồi mới ra toa chữa trị được. Phụ huynh phải tìm hiểu xem con ghét học là do mâu thuẫn với thầy cô, hay giáo viên môn nào đấy dạy quá khó hiểu, hay do game online mê hoặc, hay tại vì con gặp khó khăn khổ sở trong cách học của mình. Từ đó, bố mẹ và con cái hai bên ngồi bàn bạc, tìm ra phương án tháo gỡ để xử lý dứt điểm nguyên nhân. Khi căn nguyên đã được khắc phục, con sẽ tự động quay lại đúng con đường học tập.
Ngoài ra, phụ huynh đừng ép HS phải chăm học ngay mà phải đi từ nhận thức của HS. Hãy kể con nghe những câu chuyện về những tấm gương xung quanh đã đi lên nhờ việc học ra sao hoặc đang khổ sở vì lơ là lúc còn ngồi trên ghế nhà trường thế nào. Tuyệt đối đừng lên giọng khuyên răn theo kiểu dạy dỗ của kẻ bề trên, mà hãy đến với con như một người bạn biết lắng nghe với đầy tôn trọng. Bởi thái độ đó sẽ khiến con dễ dàng cởi mở hơn. “Hãy cùng con đề ra những hành động cần làm, hai bên cùng cam kết, có phần thưởng động viên nếu con đảm bảo, có biện pháp trách phạt nếu một trong hai bên không giữ lời hứa của mình”, tiến sĩ Hiếu khuyên.
Còn ông Quân thì cho rằng không chỉ phụ huynh mà giáo viên và nhà trường phải cùng tham gia tác động đến HS. Nhà trường, giáo viên cần xem lại hoạt động dạy học tại trường và việc tổ chức sinh hoạt của lớp để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác tham vấn học đường để trợ giúp cho HS gặp khó khăn về tâm lý trong cuộc sống cũng như học tập.
Chia sẻ thêm với những HS đã và đang có suy nghĩ chán học, tiến sĩ Hiếu nói: “Có lẽ nhiều bạn HS chưa bao giờ thấy bố mẹ mình khóc vì sợ con mình hỏng cả tương lai và cũng hiếm khi nào thấy những giọt mồ hôi khi bố mẹ bỏ cả việc mình làm để vất vả chở con đi học, chầu chực cả buổi trời vì sợ con đi chơi game, trốn học. Đừng để họ phải tiếp tục rơi nước mắt. Bố mẹ đang làm việc cực khổ ngoài kia, nên những bạn HS lỡ chán học, hãy xắn tay áo quyết tâm làm tốt công việc của mình trên ghế nhà trường”.

Xuân Phương (TNO)

 

Bình luận (0)