Võ Hoài Văn (26 tuổi), ở xã Hòa Thành, H.Đông Hòa, Phú Yên, quyết tâm đầu tư dự án chuỗi thịt heo sạch với hy vọng góp phần đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn.
Văn tuy sống ở vùng quê nhưng gia đình không làm nông mà là công chức. Tốt nghiệp CĐ, Văn lại chọn cho mình hướng phát triển kinh tế là chăn nuôi heo. Anh chàng bắt đầu khởi nghiệp từ 30 con heo nái tại trang trại có diện tích 5.000 m2 ở thôn Phú Hòa, TT.Hòa Hiệp Trung (H.Đông Hòa).
Văn thổ lộ: “Làm nghề gì, kinh doanh nghề gì cũng phải yêu thích. Tôi rất thích chăn nuôi và chọn nuôi heo vì đam mê. Nhìn những chú heo con thật dễ thương làm sao. Chăm sóc chúng cũng rất thú vị”.
Tích lũy được kinh nghiệm cùng việc kinh doanh thuận lợi, Văn nâng tổng đàn heo nái sinh sản lên 120 con. “Với chừng ấy heo nái, mỗi năm tôi cung cấp hơn 2.500 heo giống sạch (giá mỗi con trên 2 triệu đồng) và heo thịt cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Quy trình nuôi kiểm soát rất nghiêm ngặt, heo con giống tiêm chủng theo quy trình thú y đầy đủ nên người dân yên tâm khi chọn mua heo giống của tôi”, Văn chia sẻ. Với uy tín đó, trang trại heo nái giống đã mang về cho Văn doanh thu chừng 8 tỉ đồng/năm.
Tình trạng thực phẩm bẩn khiến Văn trăn trở. Năm 2015, anh mạnh dạn đầu tư làm dự án chuỗi thực phẩm an toàn. Sản phẩm mà Văn chọn là thịt heo sạch, an toàn với nhãn hiệu “VMart”. Dự án này được Trung tâm khuyến nông và Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên hỗ trợ.
|
Thực hiện dự án, Văn đã liên kết thí điểm cùng với 3 hộ dân để sản xuất thịt heo sạch theo chuỗi thực phẩm an toàn. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ được Văn cung cấp mỗi lứa từ 40 – 100 heo giống để nuôi heo thịt.
Anh cho biết: “Tôi hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi heo sạch cho người dân. Trung tâm khuyến nông tỉnh giám sát theo quy trình nuôi đệm lót sinh học (xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng vi sinh). Quy trình nuôi đệm lót sinh học do Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Với cách quản lý như vậy sẽ kiểm soát được dịch bệnh, kháng sinh trong con heo. Trong quy trình nuôi này, ngoài thực phẩm, heo còn được cung cấp rau sạch nên chất lượng thịt sẽ tăng cao”. Heo thịt do người dân nuôi được Văn thu mua rồi giết mổ để cung cấp thịt trong tỉnh Phú Yên.
Vì sao lại mạnh dạn đầu tư chuỗi thực phẩm an toàn dù hiện nhiều người chưa mặn mà lắm? Văn nhận định: Nhu cầu thịt heo sạch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hiện nay khá lớn nhưng chưa có đơn vị cung ứng. Việc đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất thịt heo sạch, an toàn khá tốn kém nên nhiều người ngại đầu tư. Hơn nữa, để làm được chuỗi thực phẩm an toàn phải xây dựng chuỗi siêu thị mini. Đây là nơi cung cấp, giới thiệu thịt heo sạch cho người dân. Trong năm 2016, Văn sẽ mở 2 siêu thị mini ở TP.Tuy Hòa. “Trong chăn nuôi, được hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra thì người chăn nuôi rất yên tâm”, Văn tự tin nói.
Theo Văn, việc mở chuỗi siêu thị mini sẽ đưa sản phẩm từ người chăn nuôi đến tận tay người tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian, qua đó nâng giá mua, giúp người chăn nuôi bền vững. Văn cho biết hiện anh đã cung ứng thịt heo sạch sản xuất theo chuỗi cho siêu thị Coop.mart Phú Yên.
Khi dự án chuỗi thực phẩm an toàn đã thành công thì Văn nghĩ ngay hướng phát triển chăn nuôi bền vững và mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. “Tôi đang tìm diện tích đủ rộng để đầu tư trang trại sinh thái. Quy mô trang trại chăn nuôi với khoảng 1.200 heo nái giống kết hợp sản xuất rau sạch. Để làm được trang trại này, diện tích đất phải rộng trên 40 ha mà diện tích như thế này rất khó tìm, chỉ có nhà nước hỗ trợ mới mong sớm được triển khai”, Văn nói.
Theo Văn, trang trại sinh thái rất thân thiện với môi trường. Lâu nay, xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi vô cùng khó khăn và rất dễ ô nhiễm môi trường. Nhưng với công nghệ xử lý vi sinh chất thải thì vấn đề môi trường đã giải quyết căn cơ.
Đức Huy (TNO)
Bình luận (0)