Nhiều thí sinh (TS) nộp bài sớm trong buổi thi Văn sáng nay (2-7) nhưng cho biết không tự tin đạt điểm cao do đề thi có tính phân hóa. Các em đánh giá, đề văn không mang tính thời sự nhưng gần gũi đời sống.
Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi môn Văn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (điểm thi của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) |
Thí sinh quan tâm “hèn nhát” và “dũng khí”
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, nhiều TS thở phào nhẹ nhõm sau 180 phút đã trình bày được nhiều vấn đề mình đang suy nghĩ. TS Võ Hoàng Lan (Trường THPT Võ Trường Toản) thi tại điểm thi này nói: “Các vấn đề trong ề thi rất hay, gần gũi với lứa tuổi chúng em, không chỉ giáo viên môn văn mà các môn khác đã nhiều lần nhắc tới. Những vấn đề như sự trong sáng của tiếng Việt, sống vô cảm trong thế giới riêng của mình mà không biết gì hết ở ngoài thế giới, sự hèn nhác hay dũng khí đêm lại cho ta những giá trị gì… được nhiều TS cùng phòng thi với em trình bày một các say sưa”. TS này cho biết thích nhất là phần đọc hiểu, câu yêu cầu TS suy nghĩ như thế nào về cuộc sống của con người khi thoát khỏi “cái tuyệt đối cá nhân”, câu này vừa gần gũi lại có tính phân hóa cao, chỉ những TS có nhiều cảm xúc, kiến thức xã hội cao mới làm được trọn vẹn… TS này cho biết có thể dành được điểm khá ở một đề thi có nhiều tính chất gợi mở như vậy.
Một nhóm TS Trường THPT Tân Túc thi tại HĐT Trường THPT Trần Khai Nguyên phấn khởi: “Ở phần nghị luận văn học yêu cầu TS phân tích tình huống truyện chứ không phải phân tích nhân vật hay nội dung tác phẩm như những thường thấy có gây bất ngờ. Đặc biệt, phần nghị luận xã hội nằm ngoài dự đoán của chúng em, dù không thời sự nhưng đề cập đến nghịch lý giữa hèn nhát và dũng khí, (hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, dũng khí lại giúp họ được là chính mình), điều này gần gũi với suy nghĩ chính bản thân chúng em nên chúng em có nhiều ý để trình bày. Nhóm TS này cho rằng sẽ làm được ít nhất 6 điểm.
TS. Nguyễn Trần Yến Nhi (Trường THPT Phước Long, Q.9) thi tại điểm Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thuộc hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, dù em ra sớm khoảng 2/3 thời gian nhưng em chỉ hoàn thành khoảng 2/3 đề thi. Phần đọc hiểu thứ 2 em làm bài không chắc lắm. Tuy nhiên, thí sinh này tỏ ra thích thú với nội dung thi về sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt. Theo Nhi, hiện nhiều bạn trẻ đang sử dụng ngôn ngữ rất phức tạp và… khó hiểu. Đề thi góp phần giúp các bạn suy nghĩ và điều chỉnh lại. Cũng ra sớm nhưng thí sinh Nguyễn Chí Hải (TP.HCM) cho biết khả năng chỉ đạt 5-6 điểm. Thí sinh này đặc biệt thích thú với nội dung nói về sự hèn nhát và dũng khí “sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí giúp họ được là chính mình”. Theo Hải, điều này trùng hợp với chính bản thân mình. “Trước kia, em nhút nhát lắm, điều này khiến em không thể hiện được hết con người mình. Sau này, nhờ tham gia nhiều hoạt động, em tự tin hơn và được sống đúng với cách mình mong muốn”.
Học sinh trung bình có thể được 6 điểm
TS phấn khởi trao đổi sau khi làm bài thi môn văn ở Trường THCS Trường Chinh, Q.Tân Bình |
Đánh giá về đề thi môn văn THPT quốc gia năm nay, cô Nguyễn Ái Trà My (giáo viên môn văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết: “Nội dung đề bám sát chuẩn kiến thức, chương trình THPT. Đề không quá khó, không đánh đố TS nhưng có độ phân hóa cao, rõ ràng, đặc biệt là ở phần nghị luận văn học”.
Phân tích cụ thể hơn, cô Trà My cho rằng dù đề không có tính thời sự cao nhưng rất gần gũi với đời sống học sinh trung học. Chẳng hạn, phần đọc hiểu dù không phải là một bài mới nhưng vấn đề sự trong sáng của tiếng Việt đang là hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ hiện nay. Việc thường xuyên sử dụng ngôn ngữ “chat” của nhiều bạn trẻ đôi lúc đã làm méo mó tiếng Việt. Đề thi một lần nữa nhắc nhở các em giữ gìn sự trong sáng vốn có của ngôn ngữ dân tộc khi chính các em được bày tỏ cảm xúc, cảm nghĩ của mình về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Ngoài ra, ở phần này yêu cầu các em bày tỏ cảm xúc khoảng 7 đến 10 dòng là hợp lý, giúp các em thoải mái trình bày hơn so với năm trước là chỉ được trình bày từ 5 đến 7 dòng.
Cô My chia sẻ thêm, nếu ở phần đọc hiểu nói về sự vô cảm (câu 5 đến câu 8) thì phần nghị luận xã hội lại nói về lòng dũng cảm, dũng khí. Đây là những vấn đề rất gần gũi với học sinh. “Phần nghị luận xã hội không nhất thiết yêu cầu TS phải trình bày ý kiến về một vấn đề thời sự mà quan trọng là những vấn đề gần gũi, mang đậm hơi thở cuộc sống của học sinh nên đề đã đáp ứng được yêu cầu này” – cô My nhấn mạnh. Cô cũng rất tâm đắc khi đề yêu cầu TS nói về sự hèn nhát và dũng khí, những điều này phù hợp rất phù hợp với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những điều mà bác Hồ đã dạy chúng ta. Hơn nữa, trong thời đại hội nhập thế giới với nhiều cơ hội cũng như thách thức, nếu bạn trẻ chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ mà còn phải có bản lĩnh, có dũng khí để đương đầu với mọi thử thách, khó khăn, để luôn được là chính mình.
Theo cô My, đề được phân hóa rõ nhất là ở phần nghị luận văn học bởi TS thường hay chú ý đến phân tích nhân vật mà quên chú ý đến tình huống truyện, trong khi đó tình huống truyện lại gắn liền với nhân vật. “Nhìn chung, với đề thi này, TS phải hiểu nội dung chính của tác phẩm, biết trình bày suy nghĩ, chứng kiến của bản thân mình thì mới làm tốt bài thi. Đề không quá khó, TS có học lực trung bình có thể làm được 6 điểm, TS nắm chắc kiến thức, kỹ năng có thể làm được điểm 8, điểm 9” – cô Trà My dự đoán.
TS. Đặng Quốc Minh Dương (Trưởng Bộ môn Văn học, Khoa KHXH&NV Trường ĐH Văn Hiến) nhận định, đề thi môn Văn năm nay không khó, vừa sức với thí sinh. Nội dung bám sát chương trình học phổ thông. Thí sinh có thể đạt trên điểm trung bình nhưng để đạt điểm cao thì không hề đơn giản.
Điểm đáng ghi nhận nhất trong đề thi năm nay là tính mở. Nó thể hiện rõ nhất qua việc đặt các câu hỏi mang tính nghị luận (xuất hiện đều trong các phần). Điều này đáp ứng yêu cầu đổi mới của Bộ GD-ĐT là phát huy năng lực thông hiểu của thí sinh qua các tác phẩm văn học, qua các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, phần đọc hiểu chỉ 3 điểm nhưng lại quá dài với nhiều câu hỏi (8 câu hỏi) làm mất khá nhiều thời gian của thí sinh. Bên cạnh đó, đề thi cũng chưa có sư phần loại thí sinh một cách rõ ràng.
Mê Tâm – Dương Bình
Bình luận (0)