Chúng ta đang tranh luận về nguyên nhân của dạy thêm, học thêm. Trong đó, không ít người có suy nghĩ ảo tưởng: Nếu lương cao, giáo viên sẽ từ bỏ dạy thêm.
Một học sinh ăn vội trước một điểm học thêm tại quận 3, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Những giáo viên có lớp dạy thêm không là số đông
Ở bậc THCS, dạy thêm chỉ tập trung vào ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh. Bậc THPT thì dạy thêm ở hầu hết các môn thi là : Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lí, Toán , Lí, Hóa. Các môn khác thì ngồi chơi xơi nước.
Bậc Tiểu học, chỉ có giáo viên chủ nhiệm dạy thêm. Các giáo viên dạy môn thì cũng hết giờ là về nhà ôm con, không có khoản thu nào khác.
Như vậy, nếu không có lệnh cấm, số thầy cô dạy thêm ở THCS chỉ chiếm khoảng 1/5 số giáo viên mỗi trường. Ở THPT thì đông hơn nhưng cũng chỉ bằng 1/3 tổng số giáo viên. Còn cấp Tiểu học thì đông hơn vì cứ chủ nhiệm là có thể mở lớp dạy thêm nhưng họ cũng chỉ chiếm khoảng già nửa số giáo viên trong trường.
Tổng hợp cả ba cấp học, số giáo viên có lớp dạy thêm bằng khoảng 1/3 tổng số giáo viên. Vậy mà họ làm khuynh đảo xã hội, tạo ra bao phiền toái và làm nên bất công cho các đồng nghiệp và học trò.
Những giáo viên có lớp dạy thêm không hề nghèo
Thực tế cho thấy, những thầy cô có lớp dạy thêm đa số có thâm niên nhà giáo cao, tay nghề vững. Hầu hết số giáo viên này đã được biên chế và đã trải qua các lớp tại chức để hưởng lương ngạch giáo viên cao cấp. Do vậy, họ có hệ số lương cao, đều là từ 3.0 trở lên. Vậy thì với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng đâu phải là lương thấp.
Ở nông thôn, hai vợ chồng nhà giáo tổng lương từ 10-15 triệu thì quá dễ sống so với bà con đi cấy và làm phụ hồ.
Ở thành phố, thu nhập ấy vẫn đủ trang trải. Nếu đến tuổi có con học đại học thì lương đã đến hệ số 4.0. Tổng thu nhập hai vợ chồng 15 triệu đồng mỗi tháng. So với viên chức hành chính ở các cơ quan, bệnh viện công lập,… đời sống dễ chịu hơn nhiều.
Thế nhưng, họ vẫn dạy thêm vì… việc đến tay cứ làm.
Phụ huynh mang thức ăn đến cho con trước một điểm học thêm tại quận 3, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Những giáo viên không dạy thêm là số đông và …nghèo!
Giáo viên không có lớp dạy thêm gồm ba thành phần chủ yếu: Giáo viên hợp đồng, giáo viên môn ít tiết và giáo viên "chậm tiến".
Trước hết phải kể đến những giáo viên mới ra trường, ăn lương hợp đồng, họ rất nghèo. Hợp đồng thì có mấy kiểu hợp đồng: Hợp đồng trả công theo số tiết; hợp đồng trả lương tháng một gói (không theo ngạch bậc gì cả); hợp đồng ăn lương tập sự (80% của bậc 1).
Những giáo viên này cơ cực vô cùng. Việc gì cũng đến tay nhưng tiếng nói nhỏ bé. Họ là bên thiệt thòi của bất công lớn trong nhà trường giữa hai vế là : Lương thấp, hợp đồng, chịu nhiều áp lực – Lương cao, đã biên chế, kém nhiệt tình, không phải chịu áp lực. Và đương nhiên, những giáo viên hợp đồng chưa đến tuổi dạy thêm.
Thứ hai là giáo viên dạy môn ít tiết. Không cần nói gì nhiều vì có ai cho con đi học thêm âm nhạc, thể dục, giáo dục công dân bao giờ đâu.
Thứ ba là giáo viên "chậm tiến". Những thầy cô này dù là chủ nhiệm hay dạy Toán, Văn,… cũng không chiêu sinh nổi vì đã có tiếng là giáo viên “chậm tiến”.
Tóm lại, ba loại hình giáo viên không dạy thêm ở đây chiếm đa số trong lực lượng nhà giáo nhưng chỉ có thu nhập bằng lương và cực nhất là giáo viên hợp đồng.
Dạy thêm vì… học trò mang việc đến !
Đầu tiên, chỉ có một số gia đình khá giả đến nhờ thầy cô dạy thêm. Giáo viên nhận lời. Sau, một số học sinh yếu nhờ cô phụ đạo. Cô cũng nhận lời. Về sau nữa, các học sinh khác không chịu thua kém bạn bè cũng kéo nhau đi học thêm.
Thế là cả làng học thêm. Giáo viên phấn khởi vì tự nhiên lại có thêm thu nhập không kém gì lương chính.
Vì chính quyền buông lỏng quản lí. Mới đầu cô giáo chỉ định dạy một hai nhóm cho vui. Nhưng sau cứ đông dần, 1 lớp, 2 lớp, 3 lớp. Nếu nghỉ hè có cô 3-5 lớp …
Từ đó, phong trào học thêm lan rộng. Giỏi muốn giỏi nữa, khá muốn thành giỏi, yếu muốn được điểm cao,…Nhà này nhìn nhà khác mà cứ a dua đi học vì sợ con mình dốt. Và dạy thêm, học thêm tràn lan khắp nơi.
Phụ huynh đưa con đến học thêm tại một cơ sở ở quận 1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Dạy thêm, càng giàu càng ham!
Ở nông thôn, mỗi buổi học thêm giáo viên thu 2-3 chục ngàn/em. Lớp học khoảng 2-3 chục em. Vậy là mỗi ca dạy cô được 400.000 -600.000 đồng. Ở thành phố thì khủng hơn nhiều. Mỗi học sinh đóng trăm ngàn mỗi buổi học. Cô bỏ túi tiền triệu sau mỗi ca dạy.
Vấn đề ở chỗ, vì công dạy mỗi ca rất cao. Nếu tính ra, công 2 tiếng dạy của các cô gấp 3-4 lần công 8 tiếng của thợ xây. Nếu ở thành phố, 2 tiếng của cô bằng 10 lần 8 tiếng của người phụ hồ (phụ vữa). Do vậy, các cô dạy như thiêu thân. Có cô buổi sáng 3 ca.
Ở huyện tôi, có thầy toán cấp 3 dạy lớp học 40-50 học sinh. Thầy giảng bằng micro. Tối nào thầy cũng có lớp. Ngày chủ nhật thầy dạy 5-7 ca.
Cô giáo Tiếng Anh ở xã bên cũng vậy. Dân chúng ở đây thấy con người ta học thêm tiếng Anh cũng bắt con mình học. Thế là tối đến, từ lớp 3, lớp 5 đến lớp 8, lớp 9. Hết ca nọ đến ca kia ùn ùn đến nhà cô đông như chợ.
Cô ôn luyện ít mà chủ yếu dạy trước chương trình. Học trò thích lắm. Thỉnh thoảng cô hỏi: “Các bạn ở lớp đã học kịp mình chưa nhỉ?”.
Thiết nghĩ, sức người có hạn, ngày đứng lớp 2-3 ca đã mệt lắm rồi. Nhưng vì đồng tiền, các cô không biết mỏi. Càng nhiều càng ít.
Lương cao … dứt khoát không bỏ dạy thêm!
Như trên đã chỉ rõ. Vì tiền công ca dạy 2 tiếng bằng 8 tiếng lao động phổ thong. Thậm chí ca 2 tiếng bằng 10 công phụ hồ (80 tiếng). Vậy họ có bỏ dạy thêm không nếu lương cao? Mà cao bằng bao nhiêu là đủ?
Thiết nghĩ, chỉ cần mỗi ca dạy được vài trăm ngàn họ cũng vẫn dạy nếu dạy được. Ngoài kia, trời nắng, người lao động kiếm được 200.000 đồng nhọc lắm. Trong này họ dạy 2 tiếng bằng mấy lần như thế.
Nhiều người nói dạy thêm do lương thấp. Đến đây, ta thấy hoàn toàn không phải.
Lại có người nói, dạy thêm do chương trình nặng nên nhiều học sinh làm ở lớp không hết. Cũng chưa đúng hẳn. Vì nếu tại chương trình thì chỉ những học sinh trung bình, yếu mới đi học thêm. Nhưng chúng ta là học thêm toàn bộ. Ở thành phố và các tỉnh đồng bằng, học sinh THCS, THPT đi học thêm tất tần tật. Giỏi, kém đi hết.
Nhiều người bảo học thêm là do nhu cầu. Sai hết. Có nhu cầu thì đã có sự quản lí nhà nước. Không phải ai thích mua gì, bán gì cũng được.
Vậy học thêm vì đâu?
Có lẽ, cứ cấm ngặt, cấm nghiêm là trật tự được lập lại.
Học sinh chờ phụ huynh đón trước một điểm học thêm ở quận 1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
HUY DƯƠNG (giáo viên)/ TTO
Bình luận (0)