Thực phẩm bẩn không chỉ hiện diện dày đặc trong các mặt hàng tươi sống như thịt cá, tôm rau mà các loại thức ăn, đồ nguội được chế biến sẵn như giò chả, nem chua, lạp xưởng cũng đang có nguy cơ nhiễm bẩn rất cao.
Người tiêu dùng nên chọn mua các loại nem, chả có nhãn mác ghi cụ thể nơi sản xuất, hạn sử dụng và các thành phần chế biến theo như quy định |
Nguy hiểm và đáng báo động hơn là mức độ nhiễm độc của giò chả, nem chua rất nặng nhưng người tiêu dùng lại khó phát hiện hơn so với các loại thức ăn khác.
Rối loạn tiêu hóa và ngộ độc từ đồ nguội
Hàng ngày, sau khi bán hết gánh rau muống, chị T. – một tiểu thương ở chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thường ghé vào sạp bán giò chả mua vài lạng để về ăn cơm vì theo chị: “Ngồi bán cả ngày không có thời gian mua thịt cá về chế biến món này món kia, thôi ăn giò chả vừa sang vừa tiện lợi”. Mặc dù bị chồng nhắc nhở về loại giò chả “3 không” này nhưng chị T. vẫn quả quyết: “Ít tiền thì phải chấp nhận mua đồ rẻ, ăn hoài cũng chẳng có làm sao”.
Mới đây, nhóm bạn của ông H. bị “Tào Tháo rượt” sau khi nhậu với mồi nem chua, chả lụa tại một quán ăn trên đường Quang Trung thuộc P.Đông Vệ, TP.Thanh Hóa. Tất cả các loại thực phẩm này do bảo quản không đúng cách và để lâu ngày đã bị nhiễm khuẩn làm cho đường tiêu hóa nhiễm độc theo.
BS Đỗ Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, các loại thực phẩm chế biến sẵn không có nguồn gốc xuất xứ có thể ảnh hưởng lâu dài và trực tiếp đến sức khỏe con người khi sử dụng. Vì thế người tiêu dùng nên chọn mua các loại thực phẩm có nhãn mác ghi cụ thể nơi sản xuất, hạn sử dụng và các thành phần chế biến theo như quy định. Có như vậy người tiêu dùng mới loại bỏ được các loại thực phẩm kém chất lượng dễ gây độc do nhiễm khuẩn khi bảo quản và sử dụng. |
Mặc dù hiện nay tại các siêu thị, công ty chế biến thực phẩm đã bày bán các loại nem chua, giò chả, lạp xưởng có nguồn gốc, nhãn mác nhưng tâm lý người mua vẫn ham rẻ, ham hàng được “đánh bóng” vẻ bề ngoài dù biết đó là hàng trôi nổi. Dạo quanh các nhà lồng chợ lớn nhỏ trên địa bàn TP chúng ta dễ dàng bắt gặp các loại giò chả được quảng cáo là thực phẩm gia truyền được gói bọc trong các lớp lá chuối và cả nilon. Tuy nhiên hầu hết không có nhãn mác cụ thể và chắc chắn là cũng không được kiểm định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng thích các loại giò chả giòn dai, vị béo ngậy nên các lò sản xuất giò chả luôn lấy hàn the, bột nở làm chất phụ gia. Đối với công nghệ chế biến giò chả, hàn the được xem là phụ gia lý tưởng và tuyệt vời nhất để tăng thêm độ dai giòn và kéo dài thời gian bảo quản. Một chủ xưởng chế biến giò chả ở Nha Mân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài nạc thăn, mỡ heo, đường phải có thêm một lượng bột ngọt, bột nở, bột năng, hương thịt, muối đỏ và không thể thiếu hàn the. Tuy nhiên, hàn the là chất Borac dùng để tẩy rửa khử trùng và có thể gây ngộ độc khi ăn phải. TS. Phan Thế Đồng – nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khuyến cáo, nếu dùng liều lượng thấp thì gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan thận, gây biếng ăn và suy nhược cơ thể. Nếu dùng liều lượng cao từ 5 gram trở lên là gây ngộ độc cấp tính.
Mất vệ sinh từ khâu chế biến
Chính vì thế đây là chất được Bộ Y tế liệt kê vào danh sách các hóa chất nghiêm cấm sử dụng trong vai trò chất phụ gia cho thực phẩm như bánh phở, bánh cuốn, bánh đúc, nem chua, giò chả… vì không thể kiểm soát được liều lượng. Hầu hết khi chế biến người ta không tính lượng hàn the bỏ vào bằng gram mà chủ yếu là thói quen bằng thìa muỗng, chén bát… Đây chính là nguy cơ nhiễm độc rất cao đối với các loại thức ăn làm sẵn trong đó có các món nguội như nem chua, giò chả…
Thời gian gần đây, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, để siết chặt các loại thực phẩm bẩn gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng, các liên ngành đã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến sẵn như giò chả, nem chua, bánh phở ở các quận ven, huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Q.9, Bình Chánh, Bình Tân… Nhiều cơ sở bị phát hiện và phạt nặng vì không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như không đăng ký kinh doanh, đăng ký kinh doanh quá phép. Có cơ sở kinh doanh đã nhiều năm nhưng mới có giấy phép gần đây với mục đích để đối phó. Một số cơ sở kinh doanh có giấy phép nhưng do ham rẻ nên mua nguyên liệu trôi nổi. Các loại thịt, mỡ, da đem về chế biến đều không có hóa đơn chứng từ và kiểm định chất lượng. Do để lâu ngày kho đông lạnh bốc mùi, tất cả có biểu hiện đổi màu, biến chất. Bên cạnh đó, nơi chế biến tạm bợ, ẩm thấp, dụng cụ chế biến mất vệ sinh. Tuy nhiên, khi ra thành phẩm do được o bế về mẫu mã và lời rao nên người mua vẫn ăn ngon miệng mà không biết dơ bẩn, độc hại nằm ở bên trong. Trong số đó có cơ sở cung cấp lượng giò chả lớn cho nhà hàng, quán ăn, và cả bếp ăn nội trú trong nhà trường.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)