Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát động toàn dân khởi nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

“TP.HCM hiện có 80 trường ĐH, vậy sân chơi nào để sinh viên (SV) thể hiện được ý tưởng khởi nghiệp và ý tưởng đó có “đi tắt đón đầu” được không?

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư báo cáo kế hoạch và trả lời báo chí

Đó là câu hỏi được ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư nêu ra trong buổi họp báo “Công bố kế hoạch của UBND TP.HCM triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, được UBND TP tổ chức sáng 2-8.

Các sở ngành cùng chung tay

Theo kế hoạch đã được thông qua, đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp (DN) TP có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 500.000 DN hoạt động. Trong đó, có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 65% GRDP, khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36% trở lên. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 6,5% năm. Hàng năm, có khoảng 30-35% DN TP có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Theo ông Sử Ngọc Anh – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư để kế hoạch thành công, con người là vấn đề cốt lõi. Do đó, theo kế hoạch này, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tiếp nhận, thẩm định cấp phép theo quy định và đúng thời hạn giải quyết cho DN; rà soát, kiến nghị đổi mới cơ chế, chính sách GDNN theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động đối với các tổ chức ngoài công lập; khuyến khích DN tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề của người lao động… nhằm đạt tỷ lệ trong năm 2016 lao động qua đào tạo chiếm 75% trên tổng số lao động đang làm việc. Các năm tiếp theo, tỷ lệ này tăng từ 2-3%, đảm bảo 85% vào năm 2020. Tổ chức đào tạo 500 kỹ sư, chuyên gia quản lý và 2.500 công nhân kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ…

GD-ĐT phải triển khai công tác xã hội hóa GD-ĐT với tỷ lệ 70% đối với loại hình ngoài công lập và 30% công lập để đầu tư xây dựng và phát  triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Hướng tới, hình thành loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị; có cơ chế, chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm khuyến khích, động viên nhà đầu tư, các DN trong đầu tư xây dựng CSVC trường học và cơ sở GD-ĐT; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong GD-ĐT, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người học, người sử dụng lao động và cơ sở GD-ĐT; khuyến khích các DN, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đối với các loại hình trường…

1.000 tỷ đồng hỗ trợ khởi nghiệp

Theo ông Sử Ngọc Anh, kế hoạch này, Sở GD-ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hình thành bộ giáo trình lý thuyết và thực hành về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng bộ công cụ và giáo trình online về đào tạo sáng tạo – khởi nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên ĐH-CĐ-TC; phối hợp Bộ GD-ĐT để hướng đến có 20 trường ĐH-CĐ có giảng viên, giáo trình và giảng dạy về khởi nghiệp. Hỗ trợ 50% hệ thống trường phổ thông có câu lạc bộ hoạt động đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ hình thành, cơ sở ươm mầm sản phẩm giáo dục đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ cho giáo viên và SV sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm giáo dục sáng tạo. Hỗ trợ hình thành, các trung tâm đào tạo và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo theo hình thức hợp tác công tư. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tư vấn, đào tạo, định hướng HSSV khởi xướng ý tưởng kinh doanh; tổ chức các buổi giao lưu giữa thanh niên, SV với các doanh nhân thành đạt…

Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP – cũng cho biết, quan điểm của lãnh đạo TP là khởi nghiệp ở các đối tượng khác nhau chứ không phải chỉ ở người trẻ. Nói rộng ra, khởi nghiệp từ cán bộ, công chức đến toàn thể người dân TP, kể cả DN lớn – nhỏ, DN mới ra đời… Từ tinh thần đó, đối với khởi nghiệp từ người dân đến thanh niên phải có một tổ chức hỗ trợ họ về cơ hội về vốn; thị trường; kiểm toán – kế toán… nếu có biết cũng chỉ là những kiến thức chung chung. Về vốn cho những người khởi nghiệp có thể gọi là “Quỹ đầu tư mạo hiểm” của tư nhân nhưng khi chưa có thì Nhà nước TP phải có để hỗ trợ bước đầu cho họ. Quỹ này có thể thất bại, đầu tư vào có thể mất nhưng cái được sẽ là động lực là cái được lớn nhất. 1.000 tỷ đồng này không phải lớn, quan trọng nhất là nhằm khuyến khích DN và người dân khởi nghiệp.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)