Thầy Lê Anh Tuấn (giảng viên Toán Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội): Mức độ kiến thức bám sát sách giáo khoa
Đề thi môn toán năm nay khá hay, mức độ kiến thức bám sát sách giáo khoa và sát với đề thi minh họa, bố trí từ dễ đến khó. Đề thi không lắt léo, phức tạp nhưng đòi hỏi thí sinh phải có tư duy, phân tích sáng tạo ở các câu 8, 9, 10.
Đối với đề thi này, thí sinh nắm kiến thức cơ bản có thể dễ dàng đạt điểm 6 (từ câu 1 đến câu 6). Với câu 7, thí sinh có học lực trung bình khá có thể kiếm được 0,5 điểm, thí sinh có học lực khá có thể đạt 7 điểm, nên phổ điểm chính sẽ ở mức 6-6,5.
Ở câu 8, thí sinh trung bình khá khó có thể làm được, nhưng những thí sinh có học lực khá giỏi thì dễ dàng kiếm điểm ở câu này. Câu 9 là câu phương trình vô tỷ dùng phương pháp hàm số nhưng khó nhận biết để dùng được hàm số. Trước khi dùng hàm số thí sinh phải thực hiện các biến đổi ở cả 2 vế thành nhân tử chung kết hợp với hằng đẳng thức bậc 2, vế phải liên hợp từ đó mới dùng được hàm số. Câu này đòi hỏi thí sinh có học lực giỏi mới giải quyết được trọn vẹn.
Câu 10 là câu bất đẳng thức, đề thi năm nay không phức tạp như đề năm 2014 nên kỳ vọng sẽ có nhiều điểm 10 hơn năm 2014.
Em Nguyễn Thanh Hằng (sinh viên năm 1 Trường ĐH Luật Hà Nội): Đề thi khá hay
Theo em, đề thi năm nay có tính phân loại cao hơn so với đề thi năm 2014. Câu 1, 3, 4, 5, 6, 7 là các câu dễ ăn điểm, đều là các dạng quen thuộc trong sách giáo khoa. Riêng câu 8, 9, 10 là 3 câu có độ phân hóa khá giỏi cao, đòi hỏi phải có tư duy tốt. Đề thi khá hay với mức độ khó khoảng 30-40%.
Nghiêm Huê (ghi)
Bình luận (0)