Trong lớp hay trong gia đình, thầy cô, cha mẹ có thể có những câu đố nhỏ để tạo không khí vui tươi, gần gũi mà cũng là dịp để trẻ vận động trí não. Đây cũng là cách giúp trẻ có tư duy năng động hơn, hạn chế sức ì, tránh lối nghĩ sáo mòn, bắt chước.
Người lớn có thể hỏi trẻ những câu: Hai chiếc xe chạy cùng chiều, nếu xe sau muốn đi nhanh hơn xe trước mà không được qua mặt thì làm sao? Tiếng Việt có bao nhiêu chữ cái? Làm sao cây bút mực xanh viết chữ đỏ? Có 10 cây nến đặt trong phòng, thổi tắt 3 cây hỏi còn mấy cây?… Những “câu đố mẹo”, “đố vui” như vậy tưởng dễ mà khó, tưởng khó mà dễ. Có khi trẻ trả lời nhanh hơn phụ huynh nghĩ: Xe sau muốn đi nhanh hơn xe trước mà không được qua mặt thì qua trái (vậy mới đúng luật ở Việt Nam); tiếng Việt chỉ có 9 chữ cái thôi (2 chữ t, 2 chữ i, 2 chữ ê, 1 chữ n, 1 chữ g và 1 chữ v). Như vậy có sự lẫn lộn giữa danh từ mang nghĩa khái quát, chỉ một ngôn ngữ là tiếng Việt (để phân biệt với tiếng Anh, tiếng Pháp) và danh từ ghép “tiếng Việt” mang nghĩa cụ thể; mực xanh vẫn có thể viết nên chữ đỏ: Đờ o đo hỏi đỏ! (người ta bị nhầm: Chữ “đỏ” chứ không phải chữ màu đỏ); thổi tắt 3 cây nến nhưng 10 cây vẫn còn ở nguyên trong phòng đó thôi. Ở đây, các câu hỏi có sự hiểu khác nhau về nội hàm khiến người ta chưa hiểu hết cái ý lắt léo. Dĩ nhiên, có cả sự “gài bẫy”, cả “mẹo” trong đó!
Câu hỏi và câu trả lời kiểu đó có thể giúp trẻ phải động não thực sự, để vượt qua cách nghĩ thông thường. Trong nhiều trường hợp, trẻ (và cả người lớn) có tính “ì” về tâm lý. Thí dụ: Một vòi nước chảy trong 3 giờ thì đầy bể, hỏi: Nếu 2 vòi cùng chảy thì trong bao lâu sẽ đầy bể? Một trẻ nhanh nhảu sẽ có đáp án ngay là 1,5 giờ. Nhưng những trẻ khác cẩn thận hơn sẽ suy nghĩ. Câu trả lời thực ra không đơn giản chút nào, vì trong câu đố, các dữ kiện tưởng rằng đầy đủ và rõ ràng, hóa ra không phải vậy. Mấu chốt nằm ở chỗ vòi nước thứ hai. Không ai nói nó có lượng nước chảy tương tự như vòi thứ nhất. Vậy tại sao chúng ta vẫn nghĩ ngay đến việc nó chảy giống như vòi thứ nhất? Cái “ì” ở đây là sự “mặc định” của bộ óc chúng ta giữa một sự vật/hiện tượng vừa biết có những điểm tương đồng với một sự vật/hiện tượng đã biết rõ trước đó. Trong nhiều trường hợp, sự “mặc định” đó không đúng.
Học sinh tiểu học trong một hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: N.Trinh |
Một câu chuyện khác: Một con mèo đi học vẽ. Cô giáo yêu cầu vẽ một con chó thì mèo ta chỉ vẽ một cái chấm đen trên giấy. Cô giáo hỏi vì sao thì mèo trả lời: “Vì con sợ quá, leo tuốt trên cây nên chỉ thấy con chó còn có chút xíu!”. Cô giáo lại bảo mèo vẽ một con chuột. Lần này mèo ta nộp giấy trắng: “Con chuột đã bị con ăn thịt mất rồi!”. Con mèo thật thông minh! Câu chuyện đó in trong một sách thiếu nhi nhằm gợi mở sự tư duy linh hoạt, chủ động của trẻ.
Nhưng hiện nay, ở trường dường như trẻ ít được gợi mở cách nghĩ mới. Ở nhiều lớp, học sinh tiểu học hay đặt lời giải các bài toán đố bằng các câu không hợp với ngữ pháp tiếng Việt chút nào. Chẳng hạn, một bài toán nêu: “Trên tường có 12 bức tranh, người ta treo thêm 4 bức tranh nữa. Hỏi trên tường có tất cả bao nhiêu bức tranh?”. Thay vì có thể viết lời giải là: “Tổng số bức tranh trên tường là”, trẻ lại viết: “Trên tường có tất cả số bức tranh là”. Cũng cách viết đó, nhiều trẻ ghi: “Cửa hàng còn lại số xe máy là”, thay vì nên là “Số xe máy còn lại của cửa hàng là”, “Cả hai lớp có tất cả số học sinh là” thay vì nên là “Tổng số học sinh của hai lớp là”… Rõ ràng cách đặt lời giải đó sẽ dễ dàng hơn cho học sinh bởi chỉ gần như bê nguyên câu hỏi, bỏ một số từ ra, sẽ thành lời giải. Nhưng với cách làm đó, cách nghĩ đó, lâu ngày sẽ hình thành một nếp nghĩ thụ động, máy móc, bởi chỉ phải tìm đúng từ khóa, còn nếu đề thi không ra theo mẫu đó, không có những từ khóa đó có thể làm trẻ phải lúng túng.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Cần khơi gợi óc sáng tạo ở trẻ Trong cuộc sống, người lớn phải tạo điều kiện và khơi gợi óc sáng tạo, trí tưởng tượng, lối tư duy năng động, thay vì gò ép trẻ trong cách nghĩ “an toàn”, “khuôn mẫu”. Một đứa trẻ có được sự năng động trong tư duy sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn những trẻ khác, bởi cuộc sống không diễn ra theo một dạng thức có sẵn, nó luôn thay đổi, biến động mà nếu không có sự chủ động thì sẽ rất khó thích ứng. |
Bình luận (0)