Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ở nơi đất ngập nước

Tạp Chí Giáo Dục

Cầm trong tay tấm bằng kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học… ở các trường ĐH danh giá, được các công ty, tập đoàn quốc tế săn đón với mức lương bao người ao ước nhưng họ lại từ chối để về nơi đất ngập nước.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (ấp Cả Tràm, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) có tổng cộng 44 CB-CNV, quản lý 1.971ha/ 5.030ha tự nhiên.

Bởi tình yêu thiên nhiên

Làm việc tại đây hầu hết là người trẻ yêu thiên nhiên và trên hết là tình yêu nghề. Họ là những kỹ sư nuôi trồng thủy sản, chuyên gia công nghệ sinh học quyết định từ bỏ công việc với đồng lương bao người ao ước, ngày đêm bám trụ ở nơi mà điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn, đặc biệt đời sống tinh thần còn nhiều hạn chế.

Với chức năng bảo tồn, hoạt động du lịch, khám phá ở đây mang lại nguồn lợi về kinh tế rất cao nhưng hoàn toàn không được khuyến khích. Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc khu bảo tồn cho biết, Láng Sen có nhiều loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ về sinh sản mà ở những địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long không có, cụ thể như Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp). Từ tuyên truyền của chính quyền địa phương và sự quản lý nghiêm ngặt của khu bảo tồn, đến nay nguồn lợi thủy sản khu bảo tồn rất đa dạng và phong phú. Hiện nay, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen còn những loài cá nước ngọt mà ở chính vùng này đã mất đi trong tự nhiên. Kỹ sư Nguyễn Văn Út, cán bộ phụ trách thủy sản cho biết, hiện Trường ĐH Cần Thơ đang tìm một số giống cá của khu bảo tồn đã xóa sổ trong tự nhiên để về ép và nhân giống đại trà.

Vỏ lãi đưa khách ngắm thiên nhiên ở Láng Sen

Ngồi trên vỏ lãi len giữa cánh đồng sen bạt ngàn ngắm thiên nhiên, không khó bắt gặp hình ảnh những chú cá lóc to bằng bắp chân. Hay từng đàn cò, vịt trời chao lượn trong gió mỗi sớm mai. Khi phát hiện hình ảnh ấy, nhân viên đưa khách đi tham quan tuyệt nhiên phải điều chỉnh tốc độ, hạn chế tiếng ồn, tiếng động nước để giữ cái yên ả, tĩnh lặng vốn có. Đó là cách để tạo môi trường thuận lợi cho các loài chim về cư ngụ. Ngay cả ngó sen và hạt sen trong khu bảo tồn, có thể cải thiện đời sống đáng kể cho những người làm việc ở đây nhưng họ vẫn không đụng đến vì một lẽ: “Hãy cùng chung tay bảo tồn”.

Nơi đêm đến sớm

Nước da đen sạm vì nắng cháy, ăn mặc đơn giản, gọn nhẹ phù hợp với những chuyến lội xuống sình, trầm mình trong láng sen để tìm hiểu về những loài cá, chim thú, thực vật… nên trông qua chẳng mấy ai nghĩ họ là kỹ sư, chuyên gia. Thế nhưng khi được trò chuyện, ai nấy đều bị cuốn hút bởi lối nói chuyện thật thà, chân chất, không câu nệ nhưng rất say mê, rất nghề và đặc biệt là những câu chuyện vui buồn về đời, về nghề, dù thời gian gắn bó chỉ mới vài năm. Anh Út tâm sự, thời gian học tại ĐH Cần Thơ, qua lý thuyết và thực hành cũng chưa thật sự lôi cuốn mình như khi thực tế công việc tại đây. Cũng như anh Út, anh Huỳnh Lâm, một trong những cán bộ kỹ thuật trẻ tuổi nhất của khu bảo tồn cũng “thấy mình hợp với nơi này” chỉ sau vài ngày về nhận công tác.

Căng tin Công đoàn của Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen bán chỉ vài thứ linh tinh: Cà phê, mì gói, nước giải khát… nhưng thứ bày ra nhiều nhất là thuốc xịt muỗi. Một nhân viên ở đây nói bông đùa: “Dân thì không có chứ muỗi thì bắt cả vợt/ đêm”. Khu bảo tồn tứ bề là tràm và sen, có lẽ vì thế mà đêm đến lặng lẽ, sớm hơn? 44 con người, đa phần là người Long An nhưng vì đặc thù công việc, lâu lâu mới được về thăm nhà. “Ban đầu xa nhà thấy nhớ nhưng riết rồi cũng quen, lấy công việc làm vui. Ngày về thăm nhà chưa lâu lại nhớ Láng Sen da diết như thể đã ngấm sâu vào máu thịt. Nhớ những đêm anh em đội mưa đi cứu hộ chú cò mắc nạn. Nhớ giây phút lặng người khi chim nằm trong sách đỏ qua cơn nguy kịch…”, Lâm chia sẻ.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Có 13 loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam

Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập mặn Láng Sen cho biết khu bảo tồn thành lập tháng 1-2004, có diện tích tự nhiên 5.030ha. Trong đó, 1.500ha của khu bảo tồn là vùng đất ngập nước và được bao phủ bởi cỏ, là nơi sinh sản và trú đông cho các loài chim di cư và nhiều loài cá. Láng Sen hiện có 156 loài thực vật hoang dã, trong đó có 152 loài xác định được tên khoa học, thuộc 60 họ. Động vật Láng Sen có 112 loài chim, 149 loài động vật có xương sống thuộc 46 họ, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má, ác là… Cũng như Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là những gì còn sót lại của một vùng đất ngập nước tự nhiên của Đồng Tháp Mười. 

 

Bình luận (0)