Kinh tế - Giáo dục

Hỗ trợ hơn 50 tỷ đồng cho các tỉnh thiệt hại vì xâm mặn và cá chết

Tạp Chí Giáo Dục

50,8 tỷ đồng đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các địa phương và các tổ chức thành viên phân bổ hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn và thủy sản chết bất thường.

Con số trên được đưa ra tại cuộc họp giữa Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, sáng 12/5.
Trong số tiền đã hỗ trợ, có 7,5 tỷ đồng được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ cho 9 tỉnh bị thiệt hại nặng do hạn hán và xâm nhập mặn gồm Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi tỉnh 500 triệu đồng.

Cá chết trôi dạt vào bờ biển xã Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

4 tỷ đồng được dành để hỗ trợ cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có thủy hải sản chết bất thường.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ 19 tỷ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 20 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Tỉnh Điện Biên chuyển về tài khoản của Mặt trận Trung ương 100 triệu đồng ủng hộ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Kon Tum 200 triệu đồng.
Cùng với số tiền hỗ trợ trên, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã phối hợp với Cổng Thông tin nhân đạo quốc gia 1400, Bộ Thông tin và Truyền thông và Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh phát động Chiến dịch nhắn tin “Nước ngọt và sinh kế cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.”
Qua hơn 1 tháng triển khai, tính đến ngày 24/4, tổng nguồn lực đã cứu trợ và huy động được 25,1 tỷ đồng, trong đó nguồn trong nước gần 11,3 tỷ đồng, nguồn vận động quốc tế 13,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng hợp của Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm trên 424.000 hộ thiếu nước sinh hoạt; thiệt hại trên 426.000ha lúa và cây trồng, 5.703ha nuôi trồng thủy sản. Ước tính tổng thiệt hại 6.392 tỷ đồng.
Hiện tượng thủy sản chết bất thường đã gây thiệt hại 260 tỷ đồng cho tỉnh Hà Tĩnh, 134,9 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Quảng Bình tổng thiệt hại ước tính là 175,3 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng chưa có báo cáo ước thiệt hại nhưng cũng đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 405 lồng cá nuôi của 111 hộ dân bị chết hoàn toàn, thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Các thiệt hại của hoạt động đánh bắt thủy hải sản gần bờ, tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ nghề cá, du lịch hiện chưa được thống kê đầy đủ.
Thảo luận tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ trước mắt như cấp gạo cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thủy sản chết bất thường ở các tỉnh miền Trung hay cấp nước cho các hộ trong vùng hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cần tính đến các phương án hỗ trợ lâu dài để ổn định đời sống nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, thiết thực nhất là vận động các ngân hàng thương mại có chính sách cho người dân vay ưu đãi để đầu tư, tìm loại cây con cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An đề xuất hỗ trợ nước sạch, bồn, bình chứa cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn; có hình thức hỗ trợ ngư dân mua thẻ bảo hiểm y tế. Việc hỗ trợ cây, con ở thời điểm này chưa phù hợp bởi bà con chưa thể xuống giống, gia súc cũng chưa thể nuôi do thiếu thức ăn. Việc cấp máy lọc nước mặn cho người dân cần phải cân nhắc vì thiết bị có giá trị lớn, liên quan đến việc bảo quản, vận hành và sửa chữa.
Trong khi đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng trước mắt vùng Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long cần hỗ trợ nước uống, nước sinh hoạt, tưới tiêu, hỗ trợ bằng tiền là cần thiết. Về lâu dài, quan trọng nhất phải có giải pháp trữ nước, tránh thất thoát nước.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, với khu vực Tây Nguyên, hỗ trợ tiền cho các hộ là chưa hiệu quả. Điều cần thiết là xây dựng mô hình chứa nước, tiết kiệm nước cho nông dân. Đại diện Hội Nông dân cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân dân bỏ địa phương đi làm ăn nơi khác.
Ghi nhận Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đều chủ động đóng góp, hỗ trợ nhân dân bị thiên tai, an dân, giúp dân ổn định cuộc sống tốt hơn, để họ không cảm thấy bị cô đơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đến đảm bảo công bằng trong hoạt động hỗ trợ và việc kêu gọi, vận động nguồn lực cần hợp lý, không gây quá tải trong thành viên, hội viên.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thống nhất trước mắt hỗ trợ cho các ngư dân ổn định cuộc sống thông qua việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, giúp trẻ tiếp tục tới trường… Việc hỗ trợ phải đặt trong bài toán đảm bảo đồng bộ và ổn định về mặt xã hội. Với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên sẽ đảm bảo ít nhất 10% số hộ được hỗ trợ trữ nước thông qua việc trang bị các bình chứa. Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát việc hỗ trợ đến tận cơ sở.
Đối với ý tưởng trang bị máy lọc nước mặn thành nước ngọt, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Trung ương Đoàn nghiên cứu sâu, xây dựng đề án gắn với nhu cầu từng ấp, nếu được, nên chọn phương án mỗi tỉnh làm thử 1 trạm, trước mắt làm 10 trạm lọc nước để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc trang bị thiết bị đo độ mặn cho nhân dân miền Tây cũng là vấn đề cần lưu tâm. Đây là điều cần thiết nhưng mỗi hộ một thiết bị đo là lãng phí. Để tránh lãng phí, các tổ chức thành viên cần đảm nhiệm công việc này và tính toán sao cho phù hợp, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng yêu cầu các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò của mình, lắng nghe ý kiến nhân dân, truyền đạt thông tin đúng, ổn định tình hình hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)