Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hãy cho các em cơ hội

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em là mầm ươm của đất nước, vì vậy việc quan tâm đến các em chính là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm nay có tên “Lắng nghe trẻ em nói” thật có giá trị và cũng là vấn đề mà xã hội cần quan tâm đặc biệt. Phải chăng, lâu nay chúng ta chưa thực sự lắng nghe trẻ và hiểu trẻ? Có một thực tế là không ít gia đình luôn xem trẻ em như một tờ giấy trắng mà người lớn muốn vẽ vời hay áp đặt theo cách của riêng mình. Điều đó, dẫn đến sự giáo dục theo kiểu cổ hủ, lỗi thời, gia trưởng và những đứa trẻ cũng khó mà phát triển theo hướng tích cực, bó hẹp trong phạm vi gia đình, ít có cơ hội được phát triển một cách toàn diện. Tâm lý một bộ phận không ít phụ huynh luôn xem trẻ em “chưa đủ tuổi” để tham gia việc gia đình, xã hội, vậy là các em phải tự giải quyết ý muốn của mình mà không có sự định hướng, giúp đỡ, hướng dẫn của người lớn. Có gia đình thì lại đáp ứng mọi nhu cầu của con cái, họ luôn nuông chiều, bao bọc quá trớn con trẻ và không ít trẻ dẫn đến tâm lý dựa dẫm, thụ động, khó hòa nhập với môi trường mới. Ở nhà trường cũng vậy, lối tư duy và phương pháp dạy học truyền thống đã kìm hãm sự phát triển tích cực của người học. Vẫn còn hiện tượng truyền thụ một chiều, thầy đọc – trò chép, rất hiếm khi thấy được những buổi học mang tính khêu gợi, dân chủ, học sinh tích cực tham gia phản biện… Thầy là trung tâm chứ không phải người học là trung tâm còn “thống trị” ở nhiều nơi. Một số thầy cô vẫn chưa trở thành người bạn trong dạy học nên họ luôn bắt học sinh phải thực hiện theo khuôn mẫu của người dạy. Vậy thì làm sao có thể phát huy được tính tích cực ở học sinh?

Lắng nghe trẻ em nói chính là thực hiện tốt một trong những quyền của trẻ em. Muốn các em trở thành một chủ thể, một thành viên tích cực trong gia đình, xã hội thì nhất định người lớn phải thực sự hiểu trẻ (đó là hiểu về nhận thức, hiểu về đời sống tình cảm, hiểu về hành vi…). Mỗi khi trẻ nói lên điều gì, đó cũng chính là ước muốn, là nguyện vọng, là nhu cầu cần thiết của các em. Nếu như người lớn biết lắng nghe, để hiểu trẻ và từ đó có những biện pháp tác động phù hợp với tâm lý trẻ thì việc giáo dục bao giờ cũng tiến hành một cách thuận lợi và hiệu quả; nếu không hiểu trẻ thì việc giáo dục cũng chẳng có ý nghĩa gì hết.

ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công (Đồng Nai)

Bình luận (0)