Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa gì vào sách giáo khoa ngữ văn mới?: Phải bố trí lại cấu trúc chương trình

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ý kiến của tôi, chương trình sách giáo khoa (SGK) bộ môn ngữ văn hiện hành không hay bằng chương trình SGK ngữ văn trước đây khi chưa thay sách. Nhiều người có cảm giác chương trình SGK cũ chuẩn hơn vì có nhiều tác phẩm phù hợp với nội dung giảng dạy và đối tượng học sinh.

Một tiết học môn văn lớp 12 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Trước hết là bộ phận văn học dân gian, nhiều văn bản phù hợp đã bị loại bỏ như Truyền thuyết An Dương Vương, bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa… Một số văn bản thuộc thể loại truyền thuyết mới đưa vào chương trình thay sách hiện hành như Quả bầu mẹ, Lấy vợ cóc… không đặc sắc chút nào, dạy rất chán. Đây cũng là đánh giá của nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Đức Quyền. Chương trình mới cũng bỏ mất tiết dạy về tục ngữ trong lúc người học rất cần kiến thức này để liên hệ và ứng dụng thiết thực cho phần nghị luận xã hội.

Nếu có kiến nghị đưa thêm những tác phẩm khác vào chương trình thì cá nhân tôi đề xuất đưa thêm một số bài thơ chữ Hán tiêu biểu như Cáo tật thị chúng (Mãn Giác Thiền sư), Cảm hoài (Đặng Dung). Những bài thơ này mặc dù đã được học ở lớp 7, lớp 8 nhưng người học lứa tuổi THCS chưa hiểu hết giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm như lứa tuổi THPT, nhất là khối 12. Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu là một tác giả lớn có vị trí oai phong được ví là cầu nối giữa văn học Trung đại và Cận đại nhưng lại cho học bài thơ Hầu trời vừa không hay, không tiêu biểu lại làm hỏng giá trị sự nghiệp sáng tác văn thơ của ông. Có thể lấy lại bài thơ Thề non nước (trước đây có trong chương trình SGK cũ) hoặc bài Hỏi gió, Gió thu, Tống biệt rất nổi tiếng đưa vào chương trình mới để giảng dạy thì hấp dẫn hơn.    

Phần văn học nước ngoài nên giữ chương trình như cũ nhưng cần cho các em đọc nhiều hơn giảng để tiếp cận với văn bản dịch.  

Nhân đây tôi cũng đề nghị luôn cần có sự thay đổi về cấu trúc chương trình với mục đích phù hợp với độ tuổi và trình độ người học, vì thực tế hiện nay người biên soạn SGK bố trí chương trình chưa hợp lý. Đơn cử, những kiến thức gần với cuộc sống hiện nay của những tác phẩm đương đại thì không cần đợi đến lớp 12 các em mới được học mà có thể đưa vào từ lớp 10.

Còn phần văn học Trung đại tuy rất hay nhưng lại khó do kiến thức gắn nhiều với một thời đại lịch sử đã qua đòi hỏi có đủ trình độ để thẩm định thì nên đưa lên khối 12 thì mới phù hợp. Khi đó ở độ tuổi thành niên, người học đã có đủ tư duy người lớn để “phán xét” các tác phẩm của cha ông để lại cách đây một vài thế kỷ. Một sự đảo lộn trật tự phân phối chương trình tuy không đi theo tiến trình phát triển của lịch sử văn học nhưng lại rất phù hợp với tình hình giảng dạy ngữ văn cho từng đối tượng hiện nay. Điều này cũng đúng với cách học của các em từ trước tới nay là kiến thức nào dễ học trước, khó học sau. (Rõ ràng đối với bộ môn của khoa học tự nhiên cũng đi theo quy luật tự nhiên này trong việc tiếp nhận tri thức nhân loại).

Phần văn học Cận đại như hiện nay cũng vừa đủ, nếu bổ sung thì có thể đưa thêm một số tác giả và tác phẩm văn học lãng mạn. Thay vì đọc thêm nên đưa tác giả Nguyễn Bính ngang hàng với Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu với một số bài thơ thật tiêu biểu chắc chắn học sinh sẽ thích hơn. Phần thơ hiện đại tôi rất tiếc bài Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) trước đây đã bị đưa ra khỏi chương trình. Phần thơ hiện đại, chọn lọc các tác phẩm Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) như vậy là tiêu biểu, tuy nhiên dung lượng quá dài, hơn nữa một số đoạn giá trị nghệ thuật chưa cao. Theo tôi, chỉ nên cho các em học một đoạn trích trong toàn văn bản trọn vẹn như ý: bức tranh tứ bình (đoạn giữa rất hay trong bài Việt Bắc), Đất nước là của nhân dân (đoạn đầu có giá trị nghệ thuật cao trong đoạn trích Đất nước). Bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo) mới học có cảm giác khó tiếp nhận nhưng lại rất hay nên giữ lại thay vì một số chương trình của hệ GDTX đã chuyển sang đọc thêm hay tự học có hướng dẫn. Riêng tùy bút Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) có giá trị nghệ thuật cao nhưng cũng quá dài nên bỏ bớt phần sau nói về hình ảnh người lái đò sông Đà. Khi giữ lại phần đầu hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình thì sẽ tương xứng và có mối liên hệ gần gũi với hình ảnh con sông Hương trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Hoàng Thị Thu Hiền
(Giáo viên Trường THPT chuyên
Lê Hồng Phong, TP.HCM)
 

Bình luận (0)