Thí sinh phấn khởi ra về sau khi thi môn văn tại cụm thi TP.HCM. Ảnh: N.Anh |
Kết thúc buổi thi môn văn, các thí sinh (TS) ra khỏi phòng thi với vẻ mặt phấn chấn. Theo nhận định của nhiều TS, đề thi môn văn tuy hơi dài nhưng khá nhẹ nhàng, nếu chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT thì TS dư sức trên điểm trung bình.
Dự thi khối D1, sử dụng môn văn để xét tuyển ĐH nên TS Đặng Kim Anh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Bà Rịa – Vũng Tàu) khá tâm đắc với bài thi môn văn. “Cấu trúc đề thi tuy hơi khác so với đề thi minh họa nhưng theo em đây là điều cần thiết để phân loại TS và đáp ứng được cả 2 mục đích trong một kỳ thi. Đề thi thiên về trình bày cảm nhận nên TS được thể hiện tối đa quan điểm và sự cảm nhận cá nhân. Đề tài vô cảm vốn đã rất quen thuộc với TS nên em chắc nhiều bạn sẽ làm tốt câu này. Riêng câu nghị luận xã hội đề cập đến “rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức” khá thú vị, có thể được coi là câu để phân hóa TS, buộc TS phải hiểu và phân tích kỹ mới đạt theo yêu cầu của đáp án”.
Sau hai ngày thi, đa số các giáo viên đều cho rằng đề thi kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên khá hay. Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) nhận định: Mô-típ đề thi môn toán vẫn như mọi năm nhưng có vẻ như Bộ GD-ĐT “chiều lòng” xã hội khi ra đề không quá hóc búa mà vẫn đáp ứng được 2 mục đích trong kỳ thi. Với mức độ đề thi này, TS đạt điểm trung bình không quá khó, nhưng cũng không quá dễ để đạt điểm 7-8, điểm 9-10 cũng sẽ rất hiếm.
Ở môn tiếng Anh, thầy Nguyễn Đình Tiến, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) nhận định: Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia ra khá sát với đề thi minh họa, thậm chí có phần dễ hơn. Có 30% câu hỏi dễ dành cho TS học lực trung bình, rơi vào các phần ngữ pháp – từ vựng quen thuộc. Phần thi viết vốn là phần khiến nhiều TS lo ngại nhưng đã có sẵn gợi ý trong đề thi, TS có thể nối các cụm từ có sẵn trong đề thi để lập thành câu và đạt được một số điểm nhất định.
Riêng cô Phan Yên Thanh, giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) cũng nhận định: Đề thi THPT quốc gia môn ngữ văn đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong thi cử. Cụ thể: Đề có sự sắp xếp từ dễ đến khó, gần gũi với TS. Đề không gây áp lực cho TS, không quá khó đối với những TS chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp nhưng cũng không quá dễ để các em dễ đạt điểm cao. Đặc biệt, những TS dùng kết quả để sử dụng cho 2 mục đích sẽ đạt được điểm cao nếu phân tích kỹ và phát huy tối đa năng lực của mình.
Ngọc Anh
Bình luận (0)