Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông: Cần phạt nặng!

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh sát giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế chạy đường dài. Ảnh: I.T

Vụ Nguyễn Quang Vinh thừa nhận có uống rượu trước khi cầm lái chiếc xe Camry và đâm chết 3 người ở đường Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội mới đây, thực sự đang gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn giao thông khi mà tính mạng của con người bị đe dọa một cách nghiêm trọng.

1. Theo tôi, Nhà nước, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống bia rượu! Tôi đã từng đi qua một số nước châu Âu, chứng kiến từ thực tế cũng như tìm hiểu qua các điều luật quy định của nước họ đối với luật lệ giao thông, tôi thấy đối với những người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà uống rượu khi bị cảnh sát phát hiện thì sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc, trong đó ngoài phạt tiền, phạt lao động công ích, người vi phạm còn bị tước bằng lái xe với khung thời gian theo quy định, tương ứng với mức độ vi phạm nặng nhẹ khác nhau. Luật Giao thông đường bộ của họ phải nói là cực nghiêm, ít khi có dấu hiệu “nương tay”!

Ở ta, mặc dù cũng có Luật Giao thông quy định hẳn hoi, tương ứng với các khung hình phạt áp dụng rõ ràng nhưng dường như luật vẫn chỉ là luật, còn việc kiểm tra và xử phạt những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông có uống bia rượu còn “bỏ ngỏ”, nghĩa là ít khi được thực thi, nó chưa đi vào cuộc sống! Chính vì “lý thuyết” không (hoặc ít) đi theo với “thực hành” như vậy nên trên đường phố vẫn có quá nhiều những người đi xe gắn máy, lái xe ô tô mà trong người bừng bừng hơi men. Khi đã uống bia rượu, không cần biết người đó uống nhiều hay ít, mà cầm lái để đi trên đường thì cực kỳ nguy hiểm cho chính tính mạng của họ, cũng như những người khác cùng tham gia giao thông trên đường. Vụ tai nạn thương tâm lấy đi 3 mạng người do chiếc ô tô điên gây ra ở Hà Nội gây xôn xao trong dư luận mấy ngày gần đây thực ra cũng chỉ là thiểu số trong hàng trăm, hàng ngàn vụ tai nạn giao thông khác trên địa bàn cả nước mà phần lớn trong số đó cũng là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu bia gây nên.

2. Để hạn chế tối đa các vụ tai nạn do rượu, bia gây nên thì không có cách nào khác là các cơ quan chức năng có liên quan của nước ta phải áp dụng luật lệ giao thông đường bộ vào cuộc sống một cách thiết thực, chứ không thể thờ ơ và lơi lỏng như bấy lâu nay được. Riêng đối với vấn đề người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông trên đường mà uống rượu, bia khi phát hiện qua các cách thử (ống thở, thử máu) thấy vượt nồng độ cồn cho phép thì không được bỏ qua, xem nhẹ vấn đề, mà phải phạt tiền thật nặng, đồng thời tước bằng lái trong các khung thời gian mà người đó vi phạm. Đối với những “ma men” tái vi phạm nhiều lần thì, ngoài tăng mức tiền phạt có thể áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn nữa, đó là tước bằng lái xe vĩnh viễn để loại bỏ bớt hiểm họa rình rập đến tính mạng của những người khác.

Nguyễn Gia Long  (TP.HCM)

Các mức phạt khi uống rượu bia mà tham gia giao thông

Uống rượu bia khi tham gia giao thông là hành vi rất nguy hiểm cho bản thân và người đi đường. Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ đã quy định cụ thể những hình thức xử phạt đối với hành vi này.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy:

Tại điểm b khoản 5 điều 6 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài việc phạt tiền người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Tại điểm e khoản 6 điều 6 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài việc phạt tiền người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Đối với ô tô và các loại xe tương tự

+ Tại điểm b khoản 7 điều 5 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

+ Tại điểm a khoản 8 điều 5 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

+ Tại điểm b khoản 5 điều 5 Nghị định 171/2013/CP quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại điểm b khoản 7, điểm a khoản 8 điều 5 như trên; Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.

T.S

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)