Ngày 3/7, các thí sinh Quảng Nam, Đà Nẵng tiếp tục kì thi THPT Quốc gia với hai môn Địa lý và Hóa học. Ở môn thi Địa lý, nhiều thí sinh ra sớm, khi mới chỉ hết 2/3 thời gian làm bài thi. Theo nhận xét của đa số thí sinh, đề thi môn Địa lý khá dễ thở, nằm gọn trong chương trình học và nội dung ôn tập cũng như sự chuẩn bị của các em. Các em tự tin hoàn thành tốt bài thi với trên 6 điểm trở lên. TS Đoàn Ngọc Ánh, HS trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho biết: “Em dự thi môn Địa để xét tốt nghiệp. Đề thi năm nay khá dễ, cũng tương tự với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT trước đó. Em nghĩ mình làm được hơn 60%”. Còn TS thí sinh Nguyễn Thị Minh Kiều đến từ Quảng Nam cho biết: “Em thấy đề thi có sự phân hóa rõ ràng giữa yêu cầu thi tốt nghiệp và xét ĐH. Đặc biệt, ở mức 7 điểm trở lên với câu hỏi vẽ biểu đồ diện tích và giá trị sản xuất của ngành trồng cây nông nghiệp yêu cầu thí sinh vừa phải có kỹ năng vẽ biểu đồ kết hợp giữa cột chồng và đường nhưng cũng đồng thời phải biết kết hợp giữa dữ liệu của đề ra và kiến thức về kinh tế nông nghiệp ngành cây trồng mới có thể đạt được điểm tối đa”.
Thí sinh rời phòng thi trong ngày thứ 3.
Ở môn Địa Lý, cụm thi số 27 do ĐHĐN chủ trì có 7.769 thí sinh/7.976 thí sinh đăng ký dự thi có mặt tại các HĐT để làm bài, vắng 207 thí sinh, đạt tỉ lệ 97,40%.
Buổi chiều thi môn Hóa học, cụm thi 27 có hơn 16 ngàn TS dự thi, đạt 98.06% thí sinh dự thi. Nhiều TS cho rằng, đề thi môn Hóa có tính phân hóa cao, có những câu hỏi khó hơn cả đề thi Đại học của năm 2014. TS Trần Kim Dung tại điểm thi THPT Ngô Quyền nhận xét, với đề này, HS có học lực trung bình chỉ đạt 30-40% câu hỏi của đề. Phần câu hỏi khó tập trung chủ yếu ở phần hóa hữu cơ. Đề ít câu hỏi lý thuyết, buộc thí sinnh phải suy luận và tính toán nhiều.
Kết thúc ngày thi thứ 3, Cụm thi 27 do ĐHĐN chủ trì có 6 TS bị đình chỉ thi, trong đó 5 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tại liệu vào phòng thi ở môn địa lý và 1 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi ở môn Hóa học./.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)