Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học lực trung bình sẽ dư điểm xét tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 4-7, các thí sinh (TS) tham dự kỳ thi THPT quốc gia đã hoàn thành bài thi môn sinh, cũng là môn thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Theo đánh giá của nhiều giáo viên bộ môn, với độ “an toàn” của kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, các TS có học lực trung bình sẽ dư điểm nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT.

Có thể nói, đề thi kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên được coi là khá “an toàn”. Đề có phân khúc rõ ràng, không quá khó đối với TS có học lực yếu và trung bình, nhưng cũng không hề dễ đối với những TS khá, giỏi. Ghi nhận của Giáo dục TP.HCM sau mỗi môn thi cho thấy: Các TS đều nhận định đề vừa sức, TS khá có thể dễ dàng lấy 5-6 điểm.

Không dễ lấy điểm 5

Tuy nhiên, với những TS có học lực trung bình và yếu thì việc đạt được số điểm này không hề dễ, nhất là với những môn yêu cầu suy luận và tính toán là toán, lý, hóa. Không khó để nghe những nhận xét trái chiều của các TS ở cùng một hội đồng thi. Ngay sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, không ít TS dự thi tại điểm thi Trường THPT Gia Định (cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM) lắc đầu khi được hỏi nhận định về đề thi môn toán. TS Trịnh Ngọc Ánh (HS Trường THPT Đức Huệ, Long An) dự thi tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn cho rằng: “TS trung bình, trung bình yếu sẽ không khó để “ăn điểm” ở những câu đầu. Những câu khảo sát hàm số, tính số phức, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất là những câu các bạn có thể đạt 3 điểm trọn vẹn nếu tính toán và làm bài cẩn thận”. Thầy Nguyễn Việt Cường (giáo viên toán, Trường THPT Trần Quang Khải, TP.HCM) phân tích: Câu 1 và 2 là câu mà HS yếu nào cũng làm được vì đây là dạng bài hết sức cơ bản của lớp 12 và được làm đi làm lại rất nhiều lần trong suốt năm học. Câu 3 HS yếu có thể làm được 0,75 điểm (câu này được 1 điểm), câu 4 có thể làm được 0,5 khi dùng một tích phân cơ bản và một tích phân từng phần giải quyết. “Đây là những câu được giáo viên tập trung ôn tập cho các em HS yếu và trung bình để tránh bị điểm liệt. Nếu giải quyết gọn ghẽ phần này, TS trung bình yếu sẽ “cầm” chắc 3-4 điểm, đạt chuẩn để xét tốt nghiệp. Những em khá hơn có thể làm được câu 5 vì đây là bài cơ bản trong học hình học giải tích lớp 12”.

Thí sinh thi tại điểm thi ĐH Sài Gòn xem lại đề thi 

Tương tự, nhiều TS dự thi môn lý chiều 2-7 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chỉ làm được 50-60% đề thi. TS Nguyễn Thị Trà My (HS Trường THPT Thanh Bình, TP.HCM) cho biết: Em làm được 40 câu nhưng không chắc chắn, chắc chỉ được 3,5-4 điểm. TS Văn Quang Bình (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Bà Rịa – Vũng Tàu) phân tích: Đề gồm 50 câu thì có 30 câu dễ dành cho HS trung bình, 15 câu tiếp theo khó, 5 câu còn lại rất khó. “So với đề thi minh họa, những câu dành cho HS trung bình có phần dễ hơn nhưng để giải quyết được 30 câu này các bạn cần phải nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK, đọc và phân tích kỹ đề để chọn được đáp án đúng mới đạt điểm trung bình”. Riêng ở môn hóa, thầy Nguyễn Đình Độ (Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM) cho rằng: Với mức độ đề thi năm nay, những TS trung bình muốn đạt điểm 5 cũng không hề dễ. “30 câu đầu của đề thi rất dễ, nhưng có một số câu hơi quá mức với HS trung bình và yếu, chỉ những HS khá mới làm trọn vẹn phần này. Theo tôi, môn hóa sẽ có rất nhiều TS đạt điểm 4, 5”, thầy Độ khẳng định.

“Kỹ năng sống” gây khó cho TS vùng sâu

Dù đề thi môn ngữ văn được dư luận đánh giá khá hay, đề mở nhưng khá nhiều TS tại Nghệ An đã không làm được câu này. Cô Thái Thị Kim Lan (giáo viên Trường THPT Nam Đàn II) cho hay: “Dù nghị luận xã hội được coi là câu mất ít thời gian hơn nghị luận văn học nhưng rất nhiều HS của tôi vẫn để dành đến giờ chót mới giải quyết vì rất mơ hồ với khái niệm “kỹ năng sống”. Các em là HS vùng nông thôn, vốn không biết (hoặc không quen) với khái niệm này, những hoạt động được tổ chức trong nhà trường trước nay chỉ được các em gọi là “hoạt động Đoàn” và cũng ít tham gia nên khi đọc đề xong, rất nhiều em lúng túng vì không biết phải giải quyết thế nào”.

Ở các môn thi tự luận khác như địa, sử, nhiều TS cho rằng: Đề thi tuy mở, gợi kiến thức nhưng bao quát nên chỉ những HS khá mới làm tốt đề thi. “Những TS chỉ sử dụng môn địa để xét tốt nghiệp THPT có thể đạt điểm 5-6 từ câu II (dựa vào Atlat) và câu III (vẽ biểu đồ và nhận xét) vì gợi ý câu hỏi quá rõ ràng. Nhưng với môn sử thì khó hơn vì đề yêu cầu TS phải có sự tư duy, tổng hợp dựa trên những dữ liệu cho sẵn mới đạt yêu cầu”, nhóm HS Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) nhận xét.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Bình luận (0)