Yêu cầu các trường sư phạm phải đổi mới đào tạo từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực.
Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục: 20 năm không thay giáo án
Đó là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại đợt tập huấn phát triển chương trình đào tạo giáo viên (GV) phổ thông cho các trường ĐH, CĐ sư phạm (SP) do Bộ GD-ĐT, tổ chức ở Hải Phòng ngày 5.1.
“Thế là chết rồi” !
Tại buổi tập huấn, ông Hiển kể: “Mới tuần trước thôi, khi trao đổi với tôi, một lãnh đạo trường CĐ địa phương nói rất hồn nhiên rằng trường ấy đang chờ chương trình giáo dục phổ thông mới ra để xây dựng chương trình đào tạo cho mình. Thế là chết rồi! Một dịp sinh hoạt chuyên môn hồi giữa năm trước, Bộ đã mời tất cả các trường có đào tạo SP đến để bàn thảo, rồi Bộ cũng đã có văn bản thông báo các trường phải chủ động xây dựng chương trình để từ năm học 2016 – 2017 thực hiện được việc đào tạo theo chương trình mới. Thế mà lãnh đạo một trường CĐ SP còn phát biểu như vậy!”.
Ông Hiển cho rằng trường SP và phổ thông phải đồng thời đổi mới. “Nhưng trước khi nói chuyện đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông thì năng lực đào tạo của giảng viên SP phải được nâng lên. Giảng viên SP phải coi việc tự bồi dưỡng là chính để nâng cao năng lực của mình”.
Năng lực sư phạm thay vì kiến thức
Theo ông Hiển, trong thời gian qua, 7 trường SP trọng điểm đã thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng, có nhiều sinh hoạt, hội thảo xung quanh công tác nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên SP, xây dựng, phát triển chương trình đào tạo bồi dưỡng GV.
Một số trường SP của trung ương và địa phương đã chủ động trao đổi giảng viên, GV, sinh viên để giảng viên gắn bó hơn với thực tiễn phổ thông. Cũng nhiều GV phổ thông được mời tham gia góp ý chương trình của trường SP, đào tạo giáo viên mới…
Ông Hiển yêu cầu năm học 2016 – 2017 các trường SP triển khai được chương trình đào tạo mới. “Bây giờ cần phải tránh kiểu tư duy cũ, rằng đổi mới chương trình phổ thông rồi mới đổi mới đào tạo SP. Tư duy mới yêu cầu đổi mới quá trình đào tạo từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Như vậy các trường SP phải đào tạo GV có năng lực dạy học, năng lực giáo dục để có thể ứng dụng vào nhiều chương trình giáo dục phổ thông khác nhau, nhiều sách giáo khoa, hoạt động khác nhau. GV có năng lực chung để đáp ứng được nhiều chương trình và đáp ứng được thực tế giáo dục ở nhiều địa phương, có yêu cầu đặc thù khác nhau. Quan trọng là trường SP phải giúp người học hình thành nên năng lực SP của một GV”.
Chương trình đào tạo GV mới cần phải đổi mới so với chương trình cũ để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực. Trường phổ thông yêu cầu ở học sinh những năng lực gì thì chính giảng viên SP phải đào tạo được cho GV phổ thông những năng lực đó. Vì thế mà đổi mới ở phổ thông và đổi mới trong trường SP là đồng bộ.
Hiện Bộ đã “đặt hàng” nhóm 7 trường SP trọng điểm xây dựng một chương trình đào tạo chung chiếm khoảng 70% tổng dung lượng cho các trường ĐH, 30% còn lại sẽ do mỗi trường tự xây dựng nhằm đáp ứng được yêu cầu của từng vùng miền và từng trường. “Tuy nhiên, chương trình này chỉ có tính chất gợi ý, còn sử dụng hay không là quyền của mỗi trường. Nếu nơi nào xây dựng được chương trình riêng cho mình tốt hơn thì Bộ càng hoan nghênh”, ông Hiển nói.
Sinh viên ra trường chưa có khả năng làm việc
PGS-TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), cho biết theo khảo sát về thực trạng đào tạo SP do một nhóm các trường SP thực hiện, có 40% số người được hỏi cho rằng các trường SP chưa đạt mục tiêu đào tạo sinh viên ra trường có khả năng làm việc. Một trong những nguyên nhân là chất lượng chương trình đào tạo của các trường SP chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong giáo dục phổ thông.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết các trường đã cùng nhau thảo luận nhiều lần để tìm cách nâng thời gian sinh viên được thực hành nghề ở trường phổ thông. Về lâu dài phải thay đổi cách thức đào tạo GV theo hướng tăng thời gian đào tạo lên 4,5 – 5 năm như nhiều nước đã làm: đào tạo GV theo công thức: cử nhân + nghiệp vụ SP. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng trường ĐH cần mời GV phổ thông lên dạy cho sinh viên.
Theo tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, VN nên học tập các nước mô hình tiếp nối trong đào tạo SP. Sau khi học xong ĐH một ngành khoa học cơ bản, người học nếu muốn làm GV thì học nghề thêm một vài năm trực tiếp tại trường phổ thông.
Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, cho biết: “Con đường làm GV ở Nhật mở rộng, không cứ là học trường giáo dục hay khoa giáo dục mà chỉ cần lấy đủ số tín chỉ các môn học cần thiết, lấy được giấy phép hành nghề và trúng tuyển là thành GV. Cách này cho phép tuyển được người có học thuật thâm sâu và kinh nghiệm thực tế”.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh ĐH Đông Anglia (Anh), cũng đề xuất: “Nên đưa mô hình đào tạo nghiệp vụ SP ngắn hạn trở lại cho những người có bằng ĐH khác nhưng muốn đi dạy. Họ sẽ học thêm một năm nghiệp vụ SP, thời gian đó chủ yếu thực tập ở trường”.
Q.Hiên – Đ.Nguyên
|
Thiếu năng lực và tâm huyết
Bài "20 năm không thay giáo án" ngày 5.1 đã chỉ ra những yếu kém, bất cập từ phía GV và cả nơi đào tạo. Là cán bộ quản lý một trường THPT, tôi thấy 2 vấn đề cơ bản quyết định GV có làm tốt công việc của mình hay không, đó là năng lực nghề nghiệp và tâm huyết với nghề.
Từ những năm 1980, 1990 đến nay không nhiều học sinh khá giỏi sau khi tốt nghiệp THPT chọn thi vào các trường sư phạm. Kiến thức tổng quát phổ thông còn non, năng lực chuyên môn của ngành học mà sinh viên sư phạm chọn để học không sâu, vì thế thiếu hẳn nền tảng cần có để tiếp tục hoàn thiện và phát triển ở bậc ĐH, CĐ. Hệ quả là lúc ra trường GV luôn coi sách giáo khoa là “bảo bối”, soạn – giảng – kiểm tra cứ theo đúng nội dung sách là được. Có GV dạy ngữ văn tại trường tôi cứ nắm chắc sách giáo khoa khi lên lớp, việc thay đổi cấu trúc bài dạy cho phù hợp – dù được góp ý nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Kiến thức bộ môn bị hỏng, tay nghề non kém thì nói chi đến chuyện dạy tốt, đến chuyện thay đổi để đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Dạy học cần lắm sự đam mê, nhưng thử hỏi trong hơn triệu thầy cô đang đứng lớp ở bậc phổ thông có bao nhiêu người thực sự yên tâm, dành hết thời gian cho dạy học và giáo dục tại trường? Thực tế, phần lớn GV soạn bài giảng chỉ để đối phó với kiểm tra. Lên lớp cứ theo những bước cơ bản truyền thống. Ban giám hiệu kiểm tra có thể do không có chuyên môn và cũng vì tuân thủ quy trình nên giáo án đủ bước là đạt yêu cầu, còn có mang lại hiệu quả trong giờ lên lớp hay không lại là chuyện khác và ít được đánh giá.
Môi trường làm việc quản lý nặng về đối phó, thành tích ở các cơ sở giáo dục cũng góp phần tạo nên thực trạng buồn nói trên.
Hiện nay, chúng ta đang gắn đào tạo với bồi dưỡng, có vẻ không ổn lắm. Liền sau đào tạo nên là đánh giá, kiểm tra và kết quả đào tạo phải là cơ sở để GV phát triển tay nghề, uy tín nghề nghiệp, lương bổng và thăng tiến. Những năm trước đây, nhiều lớp bồi dưỡng cho GV phổ thông khá rầm rộ về hình thức nhưng hiệu quả rất thấp.
Quản lý để GV phải học tập nghiêm túc, đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi dậy động lực nghề nghiệp mới là vấn đề cần phải bàn.
Nguyễn Hoàng Chương
(tỉnh Lâm Đồng)
Không thể không thay đổi
Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về phương pháp dạy học (như dạy theo dự án, chuyên đề) thì giáo án dạy học không thể không thay đổi. Cho nên chỉ sử dụng một giáo án cho quá nhiều năm là thiếu tính cập nhật và sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế ở trường phổ thông vẫn chưa tạo điều kiện cho GV thay đổi. Đó là việc vẫn quá chú trọng vào kế hoạch liên chương bài giảng, kiểm tra định kỳ giáo án theo hướng "đóng", bài bản. Vì thế giáo án được xem như là "công cụ" của GV vừa để dạy, vừa để kiểm tra, mà ít có sự thay đổi. Vấn đề gây hoang mang nhất cho GV hiện nay là nghe dạy học tích hợp nhưng cách thực hiện, soạn giáo án như thế nào thì GV hoàn toàn không thể hình dung ra được. Các trường sư phạm cũng chưa chủ động được điểm này.
Trần Ngọc Tuấn
(TP.HCM) |
Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)