Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nói tục, không phải là chuyện nhỏ: Không nên xem nhẹ chuyện văng tục

Tạp Chí Giáo Dục

Thật lạ lùng là có không ít học sinh hay dùng những từ dung tục khi nói chuyện với nhau hoặc nói với người mà các em không thấy cần có sự tôn trọng, nhất là bạn bè cùng lứa tuổi.

Nói lạ lùng vì ở môi trường học đường và những người đang được giáo dục, lẽ ra không bao giờ có điều đó. Có thể có một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, bắt chước mà không được ai uốn nắn, định hướng. Có thể cha mẹ, người thân… không bao giờ văng tục, nhưng hàng xóm và bạn bè cùng trang lứa văng tục thì chắc hẳn tồn tại ít nhiều những lời tục tĩu mà các em bắt chước. Nếu không ai khuyên bảo thì khi nói nhiều lần sẽ trở thành thói quen. Thứ hai, văng tục để thể hiện ta đây. Người nói ý thức được điều mình nói là không hay nhưng trong một số môi trường nào đó, bật ra lời dung tục để cho giống với mọi người (trong môi trường đó), để thể hiện một “đẳng cấp” (chẳng hạn, đi nhậu, đi chơi với một nhóm bạn đã bỏ học thì thiếu niên đang đi học cũng sẽ có cách ứng xử, phát ngôn như bạn mình). Thứ ba, thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, vốn từ ngữ. Khi phản ứng về một việc gì đó, người nói có thể có nhiều cách, thì một số người do thiếu kỹ năng và cả do thói quen, đã bật ra những từ không trong sáng, kể cả khi đối với người trên trước, người lớn tuổi hơn… Nhìn nhận đúng nguyên nhân thì sẽ tìm được cách khắc phục phù hợp.

Hướng học sinh vào các hoạt động tập thể như thế này sẽ hạn chế được những thói quen xấu. Ảnh: N.Anh

Đối với học sinh, sinh viên – những người trong độ tuổi thiếu niên, thanh niên – việc văng tục là rất không tốt. Bên cạnh việc bị đánh giá là “thiếu tư cách”, “thiếu văn hóa”, thậm chí là “thiếu đạo đức” thì văng tục dễ để lại ấn tượng xấu cho người khác. Nhất là khi đã “quen miệng” thì khó sửa và có thể khó kiềm chế, có khi buột miệng văng tục ở những lúc, những nơi không phù hợp và để lại hậu quả tai hại.

Hạn chế văng tục, bên cạnh việc nêu gương của người lớn và tạo dựng một môi trường sống thật sự trong lành thì nhà trường cũng cần có những cách thức ứng xử phù hợp. Trước hết, thầy cô phải nghiêm khắc với hành vi này, tuyệt đối không văng tục, nhất là thể hiện trước học sinh; đồng thời có sự nhắc nhở ngay đối với bất kỳ trường hợp văng tục nào, kể cả với người lớn nào đó vừa văng tục trước mặt học sinh của mình. Trong lớp nên có quy ước, lời nhắc nhở, lời ghi chú… về thái độ ứng xử của học sinh; trong đó có tránh dùng những từ thô tục, hành vi, thái độ thiếu lành mạnh, không tôn trọng người khác. Cần thiết có hình thức “chế tài” đối với hành vi nói tục, chửi tục, nhất là đối với những trường hợp tái phạm như nhắc nhở trước lớp, chép phạt lời khẳng định không được nói bậy, nói tục, phạt lao động công ích trong trường… Những trường hợp nghiêm trọng (nói nhiều lần, tái phạm nhiều lần, lời nói hoặc hành vi có ảnh hưởng xấu đến người khác) thì cần có sự trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh để có biện pháp uốn nắn, khắc phục phù hợp.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần quan tâm học sinh của mình trò chuyện với nhau (trong giờ ra chơi, giờ ăn…), để kịp thời phát hiện và uốn nắn ngay những trường hợp phát ngôn chưa trong sáng, lành mạnh. Cần kết hợp nhiều biện pháp để học sinh nào lỡ nói lời không hay thì luôn cảm thấy điều đó là không đúng, không nên và tự nhủ phải tránh mắc lại lần nữa. Tức là, không để việc văng tục trở thành thói quen thì dần dần trẻ sẽ không mắc lỗi này nữa!

Minh Tâm (Thủ Đức, TP.HCM)

Không nên ngộ nhận

Đôi khi xã hội nhìn nhận rằng người lao động chân tay, có trình độ học vấn thấp thì có mức độ văng tục nhiều hơn người có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội. Thực ra điều này không hoàn toàn đúng. Một số người có địa vị vẫn văng tục bạt mạng và không ít trường hợp được che đậy bằng… tiếng nước ngoài. Có trường hợp, huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia “vô tư” văng tục ngay cả khi có truyền hình trực tiếp, khiến khán giả rất bức xúc. Thông thường, hành vi văng tục với phụ nữ, trẻ em hoặc trước mặt phụ nữ, trẻ em càng bị đánh giá thấp về tính lịch sự. Ở một khía cạnh hẹp, văng tục là một biểu hiện thiếu văn hóa.

 

Bình luận (0)