Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đìu hiu môn sử

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2013, khi biết được môn lịch sử không thi tốt nghiệp, đa phần học sinh đã như trút-được-gánh-nặng. Đến năm 2014 và 2015, ngoài ba môn thi bắt buộc: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ thì lịch sử là môn thí sinh ít lựa chọn nhất.

Việc học sinh không thích thi môn sử đã có từ lâu nhưng mấy năm gần đây là chuyện đáng báo động. Không thích thi môn sử hay nói đúng hơn là học sinh sợ thi môn này không đồng nghĩa với việc các em không yêu thích môn học, không yêu thích và tự hào về lịch sử nước nhà. Học sinh sợ thi môn sử bởi cách thi hiện nay buộc các em phải học vẹt, phải nhớ lượng kiến thức rất lớn.

Trong quá trình dạy bộ môn sử, nhiều thầy cô nhất là những giáo viên trẻ mới ra trường, bằng phương pháp dạy học mới cùng với giáo án điện tử đã lồng vào những thước phim sinh động nhằm giúp học sinh hứng thú học tập. Bên cạnh đó, cách ra đề kiểm tra nhẹ nhàng hơn và quan trọng là những đề kiểm tra không hẳn là tái hiện kiến thức khiến cho học sinh không còn xa lánh với bộ môn này. Song, dù có thích học đến mấy mà cách thi môn sử vẫn như cũ, chương trình vẫn không đổi mới cho phù hợp với thời đại thì việc học sinh ít lựa chọn thi môn này vẫn là điều dễ hiểu.

Thực tế ba năm nay cho thấy, môn sử được thí sinh chọn thi ít nhất. Đa số thí sinh chọn môn sử vì thi khối C. Thậm chí năm ngoái, có em thi ĐH khối C nhưng không đăng ký thi môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có khá nhiều trường không có thí sinh nào đăng ký thi môn sử, nhiều trường số thí sinh đăng ký thi môn này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm nay lại một năm tiếp tục đìu hiu môn sử khi nhiều hội đồng thi vắng hẳn thí sinh trong buổi thi môn này. Ba năm liên tục, môn này vẫn kén thí sinh, đó là một bài toán cần phải thay đổi. Do đó, chúng ta cần thay đổi từ chương trình, cách dạy, kiểm tra và thi cử để học sinh không chỉ thích học, thích thi mà còn yêu lịch sử nước nhà nhiều hơn.

Hãy để học sinh làm bài thi môn sử không chỉ đơn thuần là tái hiện kiến thức, mà cần trình bày nhận thức, cảm nhận về lịch sử, có như thế các em mới thể hiện được nhận thức, tâm tư tình cảm của mình qua bài viết. Tái hiện kiến thức khiến phải học nhiều, các em sẽ không kham nổi và cũng không hứng thú nên không thích thi. Tái hiện kiến thức cũng không phải là “nguồn cảm hứng” để học sinh yêu lịch sử nước nhà.

Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên dạy sử cũng không hứng thú với lượng kiến thức phải truyền tải cho các em, không hứng thú với chương trình cũng như cách thi cử. Cách dạy, cách truyền đạt khô khan biến lượng kiến thức quá nhiều, môn sử thành một môn học thuộc lòng chứ không phải học để hiểu, học để cảm nhận. Chúng ta đừng vội trách mà hãy đặt mình vào các em để hiểu các em hơn. Nếu không thay đổi gấp thì năm 2016, 2017…, chúng ta lại cứ tiếp tục thấy ở các hội đồng thi đìu hiu môn sử.

Theo tôi, muốn học sinh yêu thích môn sử, có cảm hứng học sử thì Bộ GD-ĐT cần đổi mới chương trình cũng như cách thi.

Thái Việt Hùng

(Giáo viên Trường THCS – THPT Bác Ái, TP.HCM)

Bình luận (0)