Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kỳ thi giảm chi phí, áp lực…

Tạp Chí Giáo Dục

Đánh giá cao những kết quả ban đầu của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi cũng góp ý Bộ GD-ĐT cần lường trước những khả năng có thể xảy ra để tránh các thay đổi vào giờ chót, đồng thời có phân tích đánh giá kỹ lại đề thi sau khi công bố kết quả… để thực hiện tốt hơn vào năm tới.

Đa số các trường đều vui mừng vì kỳ thi giảm thiểu đáng kể chi phí cho thí sinh, phụ huynh; được phối hợp ăn ý, chặt chẽ bởi các lực lượng, địa phương trên cả nước.

Phối hợp chặt chẽ

TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nhìn nhận, điều phấn khởi nhất là thí sinh được chăm lo chu đáo từ chỗ ăn ở đến di chuyển và mọi điều kiện khác. Thí sinh tập trung đến đông nhưng tình hình giao thông không lộn xộn. Đặc biệt, không có tình trạng thí sinh di chuyển từ điểm thi này qua điểm thi khác, lượng thí sinh di chuyển từ phòng này sang phòng khác trong cùng điểm thi cũng không nhiều. Đề thi vừa sức, thí sinh đi thi có lo lắng nhưng tâm thế không quá căng thẳng.

ThS. Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cũng cho rằng, ở khâu tổ chức, Ban chỉ đạo thi quốc gia và các địa phương đã sâu sát trong các hoạt động, phối hợp tương đối ăn ý, chặt chẽ. Điều này tạo tâm lý thoải mái cho các cụm thi. Đặc biệt, lượng thí sinh dự thi ở các cụm lớn giảm hơn so với các năm, áp lực dành cho các đội tình nguyện viên cũng ít bớt, do vậy công tác phục vụ cũng tốt hơn. Về đề thi, ông Sơn đánh giá có tính phân hóa cao, ngay cả đề dự bị dành cho nhóm thí sinh tại Lâm Đồng cũng khá hay, bước đầu tiếp cận được phương pháp giảng dạy ở các nước tiên tiến. Các trường chủ trì cụm thi được hỗ trợ kinh phí, không phải bù lỗ.

Thí sinh xem lại bài sau giờ thi môn sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn. So với việc dự nhiều kỳ thi như trước, kỳ thi kép năm nay giảm thiểu bớt áp lực, chi phí cho thí sinh, phụ huynh 

“Kỳ thi có sự quyết tâm của cả Ban chỉ đạo và những đơn vị tham gia thực hiện; được phối hợp chặt chẽ giữa các ĐH tổ chức với các sở GD-ĐT địa phương hay lực lượng công an; cán bộ tham gia thể hiện tinh thần trách nhiệm cao”, TS. Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM – cũng đề cập những mặt đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, các trường còn chỉ ra những điểm còn lấn cấn ở kỳ thi. Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, việc cho phép thí sinh điều chỉnh môn thi được dời hạn hai lần khiến một số đơn vị cảm thấy vất vả. Điều này cần rút kinh nghiệm, những quy định, quy chế phải thật rõ ràng để đơn vị tổ chức sớm tập huấn, quán triệt đến cán bộ coi thi và thí sinh.

ThS. Phạm Thái Sơn lý giải, ngay cả lực lượng tổ chức và thí sinh cũng có phần bỡ ngỡ vì kỳ thi diễn ra lần đầu. Cụ thể, việc sử dụng phần mềm liên quan đến kỹ năng, nhưng chưa có kinh nghiệm do năm đầu tiên thực hiện nên đội ngũ sử dụng các trường còn chưa thạo. Riêng thí sinh, việc ghép hai kỳ thi có phần hạn chế bớt trải nghiệm áp lực thi cử khiến các em ít tự tin hơn so với các năm.

Tránh những thay đổi vào giờ chót

Nhiều góp ý cũng được các trường đưa ra để Bộ GD-ĐT cải tiến công tác tổ chức thi trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc sớm có quy định, quy chế rõ ràng để tránh cập rập vào giờ chót. TS. Nguyễn Tiến Dũng đề nghị bộ nên lường trước các khả năng, tình huống để lược bớt những thay đổi. Chẳng hạn việc cho thí sinh điều chỉnh, thay đổi môn thi đến phút chót sẽ gây ra những khó khăn nhất định.

Về đề thi, TS. Nguyễn Quốc Chính cho rằng hiện chúng ta chưa đánh giá được đề nhưng sau khi có kết quả chấm, cần phân tích thật sâu sắc lại để rút kinh nghiệm. Chung quan điểm, ThS. Phạm Thái Sơn đóng góp, đề thi năm tới cần tăng cường những câu hỏi mang tính suy luận và ứng dụng nhiều hơn. Qua chấm thi một số túi bài môn toán cho thấy có độ phân hóa tốt. Phổ điểm chủ yếu từ 5-7, số lượng điểm 1-2 và điểm trên 7 không nhiều. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý xem xét vấn đề địa lý để thuận tiện đi lại cho thí sinh. Đặc biệt, năm nay trong khi các cụm thi lớn khá nhẹ nhàng vì lượng thí sinh ít hơn mọi năm thì ở một số trường ĐH địa phương lại tăng áp lực do số thí sinh tăng đáng kể. “Năm tới, bộ cần xác định năng lực thực hiện ở các cụm để điều chỉnh cho phù hợp” –  ông Sơn nói.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)