Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thí sinh vi phạm kỷ luật thi cử: 5 vấn đề cần nhìn nhận

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh rời phòng thi sau buổi thi môn sinh tại Hội đồng Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: M.Tâm

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có gần 800 trường hợp vi phạm quy chế thi bị kỷ luật, trong đó có đến 690 thí sinh (TS) bị đình chỉ thi.

Khó có thể so sánh con số này với tổng số vi phạm của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước, bởi không cùng hệ quy chiếu, nên cũng khó đánh giá số lượng này là nhiều hay ít. Tuy nhiên, chỉ riêng 690 TS bị đình chỉ thi thì cũng có 690 người ít nhiều bị dở dang việc học với một tâm lý không thực sự tích cực. Từ chuyện vi phạm quy chế thi, có thể nhìn nhận một số vấn đề xã hội sau:

Thứ nhất, một số TS không có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Để đạt kết quả tốt trong một kỳ thi có tính chất quan trọng đối với tương lai, mỗi TS lẽ ra phải có sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, tâm lý, sức khỏe…, chứ không phải chuẩn bị “phao” hay các phương tiện, cách thức để gian lận. Do đó, trước kỳ thi, phụ huynh, giáo viên… cần “làm công tác tư tưởng” thật tốt cho TS để các em bước vào kỳ thi với một sự chuẩn bị tích cực nhất.

Thứ hai, một số TS vẫn xem sự may rủi trong kỳ thi, từ chuyện học tủ cho đến có việc thủ sẵn tài liệu chờ đợi sơ hở của giám thị để gian lận. Tâm lý “học tài thi phận” vẫn còn phảng phất trong không ít học sinh hiện nay; điều này có phần do cách thức ra đề và đánh giá trước đây quá khuôn mẫu, đơn điệu, bắt thuộc lòng, ít tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo của người thi. Tuy nhiên, hiện nay, việc học tủ, học cầu may ngày càng khó đạt kết quả cao khi “độ mở”, sự mới mẻ của đề thi ngày càng được nâng lên. Việc chuẩn bị tài liệu, cách thức gian lận để chờ có dịp thực hiện cũng là một biểu hiện “cầu may” đó, nếu may thì sử dụng hoặc sử dụng trót lọt, nếu rủi thì thôi, cũng không lấy đó làm điều đáng bận tâm.

Thứ ba, một số TS không có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình, xã hội. Việc gian dối để qua một kỳ thi liệu có thể bắt đầu cho những gian lận khác sau này, như thi các học phần ở ĐH, tìm cách không chính đáng để có các chứng chỉ theo yêu cầu (ngoại ngữ, tin học, chứng nhận kiến tập, thực tập…). Thậm chí, sau khi ra trường, liệu lại tiếp tục có sự gian dối trong làm việc, công tác, bởi “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách”? Nếu so sánh điều này với sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội (như hoạt động tiếp sức mùa thi của sinh viên tình nguyện) thì rất đáng tiếc.

Phao thi được thí sinh bỏ lại sau buổi thi môn sử tại Hội đồng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. ẢNh: M.Tâm

Thứ tư, một số TS chưa được giáo dục đầy đủ, đúng đắn về tinh thần kỷ luật, chấp hành pháp luật. Ý thức kỷ luật của một bộ phận học sinh hiện nay chưa thực sự tích cực, thể hiện qua chấp hành nội quy của nhà trường, chấp hành pháp luật, như vi phạm cách ăn mặc, phát ngôn, thực hiện quy tắc giao thông… Ngay cả một yêu cầu rất rõ ràng là không được mang điện thoại vào phòng thi thì kỳ thi nào cũng có trường hợp vi phạm, cho thấy ý thức kỷ luật của học sinh “có vấn đề”. Hay việc nhờ người thi hộ, nhờ người giải bài giúp… là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì vẫn xảy ra không hiếm.

Thứ năm, một bộ phận phụ huynh chưa có sự chuẩn bị và ứng xử phù hợp đối với việc thi cử của con em mình. Chính áp lực thi cử, áp lực vào ĐH… khiến một số phụ huynh thay vì tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình để tham gia kỳ thi một cách tích cực thì lại tìm những cách giúp con theo cách vi phạm quy chế thi. Chính sự không làm gương này đã tạo ra một tâm lý, nhận thức không đúng đắn của TS về việc thi cử, vô hình trung xem việc gian lận là điều bình thường, theo kiểu “thật thà thì thua thiệt”. Nếu nhận thức này tiếp tục duy trì sẽ tạo nên những người lấy việc gian dối, gian lận làm phương châm sống.

ThS. Nguyễn Minh Hải

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia ít nhiều biểu hiện chất lượng của một nền giáo dục; còn việc tham gia kỳ thi một cách tích cực và có kết quả cao của các TS cũng là một biểu hiện chất lượng của nền giáo dục đó. Nếu kỳ thi nào cũng có nhiều TS vi phạm kỷ luật thi cử thì quả là điều đáng tiếc và cần thiết phải tìm biện pháp phù hợp để khắc phục.

 

Bình luận (0)