Quảng Ngãi là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức thực hiện phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện tham gia nghị định 67 của Chính phủ. Qua 3 đợt có 73 tàu cá đăng ký đóng mới và 6 tàu cá đăng ký nâng cấp. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết tháng 6-2015 chỉ có 5/73 tàu được giải ngân với số tiền 19,2 tỷ/ 45,4 tỷ đồng cam kết cho vay.
Chưa phù hợp thực tế
Một trong những vướng mắc là đa số ngư dân không đồng tình với việc khi đóng tàu phải trang bị máy mới mà chỉ cần trang bị máy đã qua sử dụng. Sở dĩ có lý do này vì ngư dân cho rằng, nếu trang bị máy mới thì kinh phí tăng 2-3 lần so với máy đã qua sử dụng. Ông Nguyễn Tùng, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ cho rằng, mặc dù được vay vốn nghị định 67 của Chính phủ và Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần lãi suất vay, nhưng ngư dân cần phải tính toán làm sao, khai thác phải có hiệu quả để hoàn vốn nhanh cho ngân hàng. Mấu chốt của nghị định 67 “tắc nghẽn” là do sự ràng buộc của Nhà nước khi ngư dân đóng tàu thì phải trang bị máy mới. Trong khi đó, ngư dân muốn trang bị máy đã qua sử dụng sẽ giảm chi phí, giảm tiền vay, tăng khả năng trả nợ. Ông Tùng tính toán: “Chủ trương của Nhà nước là đóng tàu mới phải mua máy mới, mà máy mới thì giá quá cao. Bình thường đóng 1 con tàu 1,5 tỷ đồng, nếu mua máy mới phải hết 4 tỷ đồng, như vậy dân khó làm lắm. Nếu thực hiện kiểu như vậy, ngư dân có tư tưởng chao đảo. Chúng tôi phải tìm cách của chúng tôi thôi”.
Một khó khăn khác liên quan đến thiết kế tàu vỏ thép. Đến ngày 17-11-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới phê duyệt và công bố 21 thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, nhưng các thiết kế này chưa phù hợp với thực tế sản xuất trên biển. Đa số chủ tàu đăng ký đóng tàu vỏ thép đều có nhu cầu điều chỉnh thiết kế đặt hàng thiết kế mới, thời gian lập thiết kế mới và dự toán của các đơn vị tư vấn rất lâu. Hoàn chỉnh 1 bộ hồ sơ thiết kế, dự toán cho tàu vỏ thép mất từ 2-3 tháng.
Ngân hàng thương mại lo mất vốn
“Nút thắt” tín dụng cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc triển khai nghị định 67 chậm. Nhiều ngư dân cho rằng, mặc dù hồ sơ vay vốn nghị định 67 đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt nhưng ngân hàng vẫn “thận trọng” kiểm chứng, nhất là khả năng trả nợ. Ngư dân Lê Xuân ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết: “Thủ tục này mình làm rất sớm, rất nhanh… đủ điều kiện cho vay, nhưng phía ngân hàng sợ rủi ro nên họ bảo đợi”.
Sau gần 1 năm, Quảng Ngãi chỉ có 5/73 tàu được giải ngân với số tiền 19,2 tỷ/ 45,4 tỷ đồng cam kết cho vay |
Đối với ngân hàng thương mại, thì chưa thỏa mãn với chính sách tín dụng theo nghị định 67 vì họ cho rằng suất đầu tư đóng mới tàu cá quá cao, điều này hạn chế khả năng trả nợ của chủ tàu. Các ngân hàng sợ mất vốn nên không tích cực cho vay. Trong 5 trường hợp được cho vay, thì chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho vay 2 tàu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Ngãi cho vay 2 tàu và Ngân hàng Ngoại thương Dung Quất cho vay 1 tàu, các ngân hàng thương mại còn lại thì chưa cho vay một tàu nào.
Chính những ràng buộc về kỹ thuật đóng tàu và nguồn vốn vay đã làm cho ngư dân nản khi thực hiện đóng mới tàu thuyền. Theo quy định, suất đầu tư đóng mới tàu cá theo nghị định 67 cao hơn so với chủ tàu tự huy động vốn đề đóng tàu. Chẳng hạn như máy mới, ngư cụ, trang thiết bị, thuế VAT… đều có giá rất cao. Ông Huỳnh Như, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết, nếu trang bị máy mới, kinh phí đóng tàu tăng thì ngư dân khó có khả năng trả nợ vay ngân hàng. Ông Như chia sẻ: “Nghị định 67 ràng buộc quá, đóng tàu mới phải gắn máy mới, ngư dân phải vay nhiều, khó có thể thực hiện được. Gắn máy cũ nhưng kiểm tra đạt chất lượng thì nên chấp nhận cho bà con. Bà con đỡ phải vay thêm tiền”.
Ngư dân tự tìm hướng đi
Do chưa tiếp cận vốn vay của ngân hàng, nhiều ngư dân không chờ đợi vay theo “kênh” nghị định 67 mà vay các ngân hàng thương mại với lãi suất thỏa thuận. Ông Lê Văn Vinh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết, mặc dù ông là một trong những đối tượng được duyệt vay vốn nghị định 67 nhưng chờ quá lâu, ông phải rút lui, tự xoay xở vốn chủ động đóng tàu có công suất hơn 250 mã lực chuẩn bị hạ thủy. Ông Vinh cho biết: “Một là chờ lâu, hai nữa là mua máy mới giá tiền cao lắm. Một số ngư dân tự vay ở ngoài mua máy bãi nhẹ vốn. Nếu máy thùng nằm cỡ 2-2,5 tỷ, còn máy bãi chỉ có 600 triệu là làm được rồi”. Hơn nữa, thực tế ngư dân gặp khó khăn khi phối hợp với các đơn vị tư vấn và cơ sở đóng tàu trong việc lập dự toán đóng mới tàu cá để ngân hàng làm cơ sở cho vay. Một số chủ tàu có quan niệm chính sách đóng tàu xa bờ trước đây nên đăng ký cho có rồi tính sau, khi biết quy định chặt chẽ thì không tham gia nữa. Hơn nữa, ngư dân thường có quan niệm tâm linh, kiêng kỵ đóng tàu kéo dài trong 2 năm âm lịch, như vậy khai thác hải sản sẽ gặp bất lợi. Họ chỉ muốn đóng tàu phải hoàn tất trong 1 năm.
Ông Dương Văn Tô – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, các ngân hàng thương mại tiếp xúc với ngư dân còn rất chậm. Trong khi điều kiện cần đã có đủ, còn điều kiện đủ thì ngân hàng yêu cầu cần phải thẩm tra xác minh lại, mà việc này các ngân hàng tiến hành quá chậm nên giải ngân chưa được bao nhiêu, làm cho các chủ tàu băn khoăn, lo lắng.
Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản là một trong những chính sách giúp cho ngư dân tiếp cận vốn vay ưu đãi, bước đệm để ngư dân yên tâm bám biển. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này còn chậm nên nhiều ngư dân phải tự tìm hướng đi cho mình sau gần 1 năm mòn mỏi chờ đợi.
Bài, ảnh: Phước Trung
Bình luận (0)