Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bổ ngửa vì “rượu đại bổ”

Tạp Chí Giáo Dục

Cẩn trọng với những loại “rượu đại bổ” như thế này

Thời gian qua trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, trong số đó có nhiều vụ liên quan đến rượu ngâm động, thực vật không rõ nguồn gốc mà người bán cho là “rượu đại bổ”.

Điều đáng lo ngại là người bán thổi phồng về công dụng mà chưa có một nghiên cứu khoa học nào được công nhận. Trong khi đó, người sử dụng tù mù về nguồn gốc cũng như công dụng của nó và dùng theo kiểu “có bệnh thì chữa, không thì phòng bệnh”. Một số khác sẵn sàng bỏ tiền ra để mua rượu đại bổ theo quan niệm “không bổ dọc cũng bổ ngang”.

Mắc lừa “rượu đại bổ”

Ông Nguyễn Văn Tiến (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) may mắn được cứu sống do ngộ độc rượu, dù chỉ uống một ly nhỏ trong bữa ăn tối. Ông Tiến nhớ lại: “Đó là rượu ngâm cá ngựa và ít sâm, giá 3 triệu đồng/chai mua tại một ki-ốt ở chợ Đầm, Nha Trang. Qua người có kinh nghiệm thì được biết cá ngâm trong rượu đã sử dụng nhiều lần, màu rượu hơi vàng là nhờ… phẩm màu”.

Ông Tiến cũng chẳng giấu giếm: “Tôi bệnh viêm đa khớp dạng thấp nặng, uống thuốc tây, thuốc nam nhiều năm vẫn không khỏi, nghe người ta mách uống rượu ngâm đại bổ chỉ sau một thời gian ngắn là khỏi. Có bệnh thì vái tứ phương, mình uống thử nhưng cũng may là cấp cứu kịp thời”. Vợ ông Tiến lắc đầu nói: “Rượu đại bổ gì mà giòi lúc nhúc thấy mà ớn, uống nó chỉ có đường đi cấp cứu chứ chữa bệnh nỗi gì?”. Ông Tiến giải thích thêm, khi ông dùng chiếc đũa khuấy trong hũ rượu thì xác cá phân hủy như xác mắm, bốc mùi tanh rất khó chịu.

Cũng vì những lời quảng cáo “có cánh” của người bán mà ông Võ Hồng Thành (ngụ đường số 4, cư xá Đô Thành, Q.3) đã bị lừa một quả khá đau. Trong chuyến đi công tác ở thị xã Lagi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, ông Thành được người dân địa phương giới thiệu rượu ngâm cá ngựa. Người thường xuyên bị đau nhức, hy vọng chữa dứt bệnh như quảng cáo mà ông Thành không ngần ngại bỏ ra gần chục triệu để mua 4 hũ rượu ngâm cá ngựa. Ngày nào ông Thành cũng uống 0,25 lít vào trước và sau bữa ăn tối theo hướng dẫn. Suốt ba tháng ròng, số rượu cũ đã cạn, mua thêm rượu mới để ngâm nhưng cơ thể càng mỏi mệt, đau nhức hơn. Điều đáng nói là huyết áp, chỉ số đường huyết của ông Thành tăng báo động.

Sau lần nhập viện hơn tuần để điều trị, ông Thành quyết định mang các hũ rượu ngâm đại bổ kia bỏ sọt rác, lúc này mới phát hiện 4 cặp cá ngựa trị giá bạc triệu kia là đồ nhựa. “Từng nghe nhưng không tin, giờ bị lừa mới tin”, ông Thành nói.

Cấp cứu

Chúng tôi tiếp cận được “kho” rượu “đại bổ” của một quán nhậu khá lớn ở phía Nam Sài Gòn. Khách của quán chủ yếu là cánh tài xế xe bồn, công nhân KCX Tân Thuận và số ít là khách vãng lai. Những hũ rượu lớn nhỏ được đặt trong buồng, phía sau tấm màng cáu bẩn. Từ ánh sáng của máy ảnh, không khó phát hiện bên trong hũ rượu nổi mốc meo trắng, bên cạnh là chiếc ca nhựa ruồi nhặng bu kín và bốc mùi cực kỳ khó chịu. Theo anh Tuấn, phụ việc cho quán thì rượu ngâm đủ thứ, từ sâm, rễ cây mật nhân, táo mèo. Riêng động vật thì có mật gấu, cá ngựa, cao khỉ…

Công thức pha chế là cứ mỗi lít rượu bất kỳ sẽ được pha nửa ca rượu cốt cho có màu dễ nhìn chứ hoàn toàn không có mùi vị gì. Tuấn còn cho biết: “Ngâm lâu ngày xác động vật phân hủy, chỉ cần một chút hóa chất chấm ở đầu đũa là mùi tanh hôi gì cũng biến mất”. Còn về nguồn gốc của rượu, Tuấn bảo: Ở đâu thì chịu, chỉ biết 3, 4 ngày là họ chở đến một lần, từ 100-150 lít/ chuyến.

Rời quán nhậu, chúng tôi tìm đến một cửa hàng rượu mà theo lời giới thiệu là có tiếng ở Chợ Lớn từ nhiều năm. Cô nhân viên còn khá trẻ nói một tràng về công dụng của các loại rượu. Với hơn 20 loại, rượu nào cũng có công dụng na ná nhau như: Bổ máu, tăng cường sức đề kháng, chống viêm đa khớp, cường dương, bổ thận, hơn nữa còn phòng được bệnh mục xương ở tuổi già. Điều đáng nói là chưa có một cơ quan nào chứng nhận có tác dụng chữa bệnh.

Không khỏi giật mình khi đến các quán, cơ sở bán rượu ngâm, không có một cơ quan nào  kiểm tra, chứng nhận an toàn cũng như đúng công dụng như người bán đã quảng cáo. Bác sĩ Nguyễn Hoài Anh (Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện An Bình) cho biết: “Hầu hết các ca cấp cứu do ngộ độc rượu đều để lại những di chứng, thậm chí tử vong. Mỗi ngày, chất cồn nạp vào cơ thể đã dần “giết” các cơ quan nội tạng và thêm những loại động, thực vật không an toàn, cơ thể chúng ta sẽ bị “giết chết” nhanh hơn”.

Bài, ảnh: Trần Anh

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Anh, cần có xét nghiệm mới có thể kết luận chính xác ngộ độc do rượu, do động, thực vật, chất bảo quản hay do phẩm màu…? Tuy nhiên, bác sĩ Anh cho rằng, trong các vụ ngộ độc, bệnh nhân nôn ói, tiêu chảy như ông Tiến thì có cơ hội sống sót hoặc ít có biến chứng về sau. 

 

Bình luận (0)