Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Con mà thi rớt thì…

Tạp Chí Giáo Dục

1. Không ít học sinh sau khi thi xong lớp 10 cảm thấy làm bài không tốt đã lên Facebook than thở với bạn bè: Kỳ này mà thi rớt lớp 10 trường A… thì khó mà sống nổi với ba mẹ mình. Vì họ đặt kỳ vọng và đầu tư cho mình từ năm học lớp 6 đến ngày thi chuyển cấp. 

Những lời than của thí sinh này không phải là cá biệt. Hậu kỳ thi lớp 10 đang đè nặng tâm trạng của nhiều học sinh. Tuy TPHCM đã công bố điểm thi đối với 3 môn thi vào lớp 10 thường nhưng đến giờ này, nhiều thí sinh đang hồi hộp chờ đợi giờ G công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhất là các trường THPT thuộc tốp trên. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều phụ huynh đã nuôi giấc mộng, vạch sẵn cho con điểm ngắm vào lớp 10 các trường THPT thuộc tốp trên… Bởi lẽ, có được tấm vé vào lớp 10 của những ngôi trường này thì con cái họ dễ có tấm giấy thông hành tiếp theo vào đại học. Chính vì thế, cánh cửa vào các trường THPT tốp trên luôn hẹp và là mơ ước nghiệt ngã của nhiều học sinh ở TPHCM. Lỡ bước hụt chỉ vì chọn sai nguyện vọng hoặc lỡ làm bài không tốt lắm, các em sẽ bị dằn vặt, tiếc nuối. Và nếu được cha mẹ an ủi, sẻ chia với nỗi buồn “bước hụt” lần đầu này thì các em vẫn có thể tìm thấy niềm vui học tập ở một ngôi trường THPT khác thuộc tốp dưới. 

2. Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc và nó gánh theo biết bao nỗi niềm, kỳ vọng, khát khao cháy bỏng của các bậc cha mẹ. Nuôi con ăn học suốt 12 năm đèn sách, bậc sinh thành nào cũng mong con mình đỗ đạt, tìm được một tấm vé vào đại học. Cứ nhìn họ – những ông bố, bà mẹ gồng gánh nỗi cực nhọc, vất vả, hết lòng lo cho con cái ăn học, đeo đuổi giấc mơ thành tài – mới thấy khát vọng vì tương lai thế hệ trẻ mạnh đến dường nào. Thế nhưng, đâu phải đứa con nào cũng đủ năng lực, tài trí để vượt qua kỳ thi quan trọng, tính cạnh tranh khốc liệt và phân loại cao như kỳ thi hai trong một lần này. Đó là chưa kể “học tài, thi phận” và trước áp lực kỳ thi quan trọng, nhiều thí sinh lo lắng, mất tinh thần nên làm bài không như mong muốn. Nhìn thấy một thí sinh thi xong môn Vật lý và òa khóc khi người cha hỏi thăm: “Con làm bài được không?”, ai thấy cũng mủi lòng. Người cha ấy đã ôm con và vỗ nhè nhẹ lên vai an ủi: “Không sao con ạ, miễn là con đã cố gắng hết mình…”. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có thể sẻ chia, đồng hành với thất bại, bước đi lỡ nhịp của con cái ở những thời khắc quan trọng. Đã có không ít câu chuyện đau lòng xảy ra hậu kỳ thi đại học ở những năm trước. Chỉ vì rớt đại học – mất cơ hội bước vào giảng đường và sợ cha mẹ buồn, sợ “búa rìu của dư luận”, có không ít thí sinh học giỏi đã tìm đến cái chết. 

Dù xã hội có tuyên truyền, định hướng thế nào thì vào đại học vẫn là con đường duy nhất mà nhiều bậc cha mẹ Việt Nam đang kỳ vọng. Làm thế nào để thay đổi tư duy đã ăn sâu vào tiềm thức của xã hội và trong mỗi gia đình như hiện nay? Hãy giúp con cái vượt qua cú sốc thi cử nếu chúng làm bài không tốt. Đừng buông lời trách móc, nếu con cái không chạm vào giấc mơ đại học, bởi lẽ còn nhiều ngã rẽ vào đời khác. Điều quan trọng là xã hội phải tạo niềm tin và cơ hội cho người trẻ thử sức, thử tài, cống hiến theo năng lực cá nhân.

Theo Hà Khánh/ SGGP

Bình luận (0)