Trong khi việc học tập đã dần đi vào ổn định sau gần một tháng bắt đầu năm học mới, thì tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường ở nhiều nơi vẫn chưa được cải thiện, mặc dù Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các trường tập trung kéo giảm tối đa tình trạng này, bảo đảm trật tự lòng, lề đường trước các cổng trường trên địa bàn thành phố.
Nhiều nơi còn ùn tắc
Tọa lạc gần ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cao Thắng, một phụ huynh có con theo học lớp 2 Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP.HCM) cho biết, vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều cổng trường thường xuyên xảy ra ùn tắc và kẹt xe. Theo chị này, dù nhà trường mở cửa cho phụ huynh vào sân đón con, tuy nhiên do tâm lý phụ huynh muốn chờ bên ngoài để về nhà nhanh nên thường gây ùn tắc.
Tình trạng này cũng xảy ra như cơm bữa trước cổng trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Một phụ huynh tên L. cho biết, Trường Hồng Hà nơi con chị theo học có hơn 2.000 học sinh, lại thêm đường hẻm trước cổng trường thường xuyên có xe 4 bánh ra vào, lòng lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ cách cổng trường mấy chục bước chân nhưng lúc nào cũng có người bán hàng ăn. So với giờ cao điểm buổi sáng, thì giờ cao điểm buổi chiều khi tất cả học sinh ra về cùng một lúc càng làm cho đoạn đường ở khu vực này bị kẹt xe nghiêm trọng, người dân lưu thông qua đây cũng bị vạ lây.
Đoạn đường Phạm Văn Hai trước cổng trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ tan trường. Ảnh: B.Vân |
So với các nơi khác, thì tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở khu vực Trường THCS Ngô Sĩ Liên tọa lạc tại địa chỉ số 12 Phạm Văn Hai, P.2, quận Tân Bình, TP.HCM cũng thường xảy ra vì mặt đường hẹp, lượng người lưu thông đông, lại thêm Trường Mầm non 2 ở ngay bên cạnh. Chưa kể lề đường ở cả hai trường này đều có hàng ăn, quán nước di động, xe ôm tụ tập.
Có lợi thế hơn hẳn so với các trường khác, Trường THCS Trần Phú (quận 10) có đến 4 cổng ra vào, 1 cửa chính ở đường Cửu Long và 3 cửa phụ. Tuy nhiên, vì sân trường hẹp nên trường quy định phụ huynh không được chạy xe vào sân đón con. Theo chị N., phụ huynh của một học sinh lớp 6, hiện tại trường chỉ cửa chính và cửa phụ ở đường Bắc Hải được mở để học sinh đi xe đạp lưu thông. Chị cho rằng trường nên mở thêm 2 cửa phụ ở đường Nguyễn Giản Thanh và cửa ở đường Châu Thới và quy định mỗi cửa dành cho một khối lớp ra về. Có như vậy, phụ huynh sẽ chờ đón con ở cổng được quy định thì sẽ thuận tiện và tránh được cảnh chen chúc, ùn tắc như bao lâu nay.
Tập trung không để ùn tắc giao thông trước cổng trường
Đó là chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM ngay từ đầu năm học trong việc triển khai công tác giáo dục pháp luật ATGT năm học 2015-2016 đến các cấp học, trường học. Theo đó, sở yêu cầu hiệu trưởng các trường xây dựng quy chế phối hợp và ký kết liên tịch về an ninh trật tự trường học với công an địa phương, trong đó có nội dung giữ trật tự cổng trường và lề đường xung quanh trường, yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh trường cam kết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh.
Đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn tắc, các trường cần chủ động bố trí lệch giờ vào học và tan trường để không gây ùn tắc giao thông; xây dựng các đội học sinh xung kích làm nòng cốt trong việc giữ trật tự cổng trường giờ tan học, luân phiên thực hiện các nhiệm vụ; lập rào chắn hướng học sinh tan học từ cổng trường di chuyển sát lề đường để ra về hai hướng, tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường; mở cổng trường cho phụ huynh vào đón con em (nếu có sân rộng) hoặc hướng dẫn phụ huynh đậu xe trên lề đường và giãn ra hai bên cổng trường, không đậu xe hoặc dừng xe ngay trước cổng trường; tổ chức nhiều cổng ra cho học sinh đi bộ, đi xe đạp hoặc gắn máy, bố trí giờ ra cổng luân phiên tránh đồng loạt.
Ngoài ra, những trường hợp phụ huynh không có điều kiện đưa đón con đến trường, các trường cần phối hợp với Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho phụ huynh đăng ký cho con đến trường bằng xe đưa đón nhằm giúp các em đến trường được thuận tiện và an toàn.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)