Giáo viên Trường Tiểu học An Lạc 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM) đang rèn cho học sinh viết đúng chữ (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Mới đây, rất nhiều người thấy bức xúc với việc một giáo viên (GV) mắng học sinh (HS) là “ngu như bò”. Đó là một sự xúc phạm khó tha thứ, dù người GV đó có biện bạch như thế nào đi nữa.
Có rất nhiều lý do để khó chấp nhận điều đó trong nhà trường, chẳng hạn, thử đặt hoàn cảnh con của người GV đó bị cô giáo mắng mỏ như thế thì liệu cô có tức giận không, hay phải chăng cô giáo thiếu vốn từ có thể tránh bày tỏ sự giận dữ bằng một từ không hoặc ít tính xúc phạm?… Nhìn ở góc độ sư phạm, việc mắng mỏ HS có nhiều điều đáng suy nghĩ.
Thứ nhất, mắng HS thể hiện sự “quên vai” của người thầy. Người GV đứng lớp là để truyền đạt kiến thức, dạy dỗ về lễ nghĩa và tự bản thân mình là một tấm gương sinh động về nhiều mặt để người học noi theo. Người học càng ít tuổi thì các yêu cầu đó càng nhiều hơn, bởi nhiều trường hợp người dạy giúp trẻ bắt chước làm theo (với người học lớn hơn thì việc gợi mở, định hướng, truyền đạt phương pháp nhiều hơn là kiến thức cụ thể). Mắng mỏ nặng lời với một đứa trẻ là người thầy đã quên mất cái vai phải truyền đạt, phải thị phạm cho HS rồi; nói cách khác, đó là sự gieo gương xấu cho trẻ. Do đó, một đứa trẻ lần đầu nghe giảng chưa hiểu thì phải giảng lần thứ hai, thứ ba hoặc tìm những cách giảng khác để trẻ hiểu, chứ không phải là nơi cho người thầy trút giận.
Thứ hai, mắng mỏ HS là một sự thiếu kiềm chế, điều không nên xảy ra với một người đang đứng trên bục giảng. Ai cũng có thể tức giận nhưng hình ảnh một người thầy đang đứng trên bục giảng mà tức giận, rồi mắng mỏ, văng tục… là hình ảnh không đúng mực. Bởi khi đứng trên bục giảng, người thầy đang là một hình mẫu, không chỉ về kiến thức mà còn về tác phong, thái độ, tình cảm… Mắng HS “ngu như bò” phải chăng người thầy đang “thị phạm” để các HS của mình sẽ bắt chước điều đó khi nói với người khác? Người thầy có thể tức giận nhưng sự tức giận của người thầy không được thể hiện một cách tiêu cực mà phải kìm nén và bộc lộ một cách phù hợp, chứ không phải quát tháo ầm ầm, đập bàn ghế, xúc phạm đến HS… Vì vậy, ngành giáo dục đã có quy định về việc cấm GV xúc phạm, sỉ nhục HS, dù bằng lời nói hay hành động; nhưng trên thực tế gần như rất ít có sự chế tài, trừ những trường hợp ồn ào như trong câu chuyện vừa rồi.
Thứ ba, một người thầy mắng HS có phải chăng là bất lực trong việc tìm cách hướng dẫn, thuyết phục cho em ấy hiểu bài? Về nguyên tắc, với mỗi đối tượng người học khác nhau thì phải có phương pháp khác nhau; chẳng hạn, với HS bậc THPT thì cần gợi mở nhiều hơn, với HS bậc tiểu học thì cần để cho trẻ làm theo; với HS giỏi thì tạo điều kiện cho em phát huy, với HS tiếp thu chậm thì phải “mưa dầm thấm lâu”… Thế nhưng, trong một lớp học, thường GV chỉ sử dụng một vài biện pháp cho nhiều đối tượng, vậy thì có thể có em chưa theo kịp bài học; khi đó, nếu người thầy không điều chỉnh phương pháp hoặc tăng cường thêm những phương pháp khác mà tức giận với em thì người thầy chưa làm tròn chức trách của mình.
Thứ tư, phải chăng không có HS dốt mà chỉ có người thầy tồi? Đã có ý kiến đề cao vai trò người dạy như thế, để thấy rằng nếu người học còn kém thì trừ những trường hợp đặc biệt về tư chất hoặc điều kiện cụ thể nào đó, còn lại đều có trách nhiệm của người thầy. Do đó, người thầy trước tiên nên nhận trách nhiệm của mình khi HS còn kém bởi sự thiếu nhiệt tình, sai phương pháp hoặc chưa thể hiện sự quan tâm đầy đủ… Đã thế thì trong mọi trường hợp đều không thể mắng mỏ HS được, bởi người thầy mắng các em tức là tự sỉ vả mình. Tất nhiên, còn có yếu tố tác động khác nữa, như điều kiện của trường lớp (sĩ số bao nhiêu, đồ dùng dạy học thế nào, sự quan tâm của lãnh đạo…), sự phối hợp của gia đình…, nhưng người thầy nên nhấn mạnh đến trách nhiệm của mình trước khi trách các em là kém tư chất, lười nhác.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Người thầy phải là hình mẫu cả về “lễ” và “văn” Sự mắng mỏ, xúc phạm HS không nên có trong “bộ nhớ” của người thầy. Trước HS bậc tiểu học và THCS, người thầy nên là người mẹ, người cha… mẫu mực, thương yêu; trước HS bậc THPT, người thầy nên là người anh, người chị… thân tình, gần gũi. Người thầy phải là hình mẫu cả về “lễ” (thái độ, ứng xử, tình cảm…) và “văn” (kiến thức, phương pháp…) nên phải luôn thận trọng, giữ mình trong lời nói, ứng xử, hành động… |
Bình luận (0)