Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nói tục, không phải là chuyện nhỏ: Đối phó khi trẻ nói lời “chướng tai”

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, song nhận thức vẫn còn hạn chế, trẻ lại hay để ý và có khả năng bắt chước rất nhanh. Trẻ có thể bắt chước nói tục, chửi bậy từ bạn bè ở trường, hay khi đi cùng cha mẹ tới những nơi công cộng…

Khi thấy con nói tục, cha mẹ không nên tức giậan, quát tháo ầm ĩ vì rất có thể trẻ không nhận biết được điều mình đang nói là không đúng với chuẩn mực xã hội. Do đó, cần có cách ứng xử phù hợp để chỉ cho con thấy rằng, nói bậy như vậy là không tốt. Các bậc cha mẹ có thể làm theo những bước sau để hạn chế dần cách nói không tốt của con:

Tránh giận dữ hoặc cười đùa cổ súy

Khi trẻ nói bậy, việc cha mẹ tỏ ra quá tức giận hoặc cười to sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, những điều chúng nói gây được sự chú ý mạnh tới người khác hoặc nghĩ rằng nói như vậy là rất hay. Chính vì thế, chúng sẽ tiếp tục nói và về sau, sẽ rất khó để sửa. Vì vậy, khi con nói bậy, cha mẹ cần bình tĩnh và tỏ thái độ không đồng tình. Khi đó, trẻ sẽ nhận ra rằng, những cách nói đó không thực sự hiệu quả để gây sự chú ý cho người khác và sẽ bớt nói tục trong những lần sau. Đương nhiên, việc này không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần phải bắt nguồn từ những vấn đề cụ thể, trải qua một quá trình, như vậy, thói quen tốt sẽ dần được hình thành.

Chọn bạn cùng con

Bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ, nhưng cha mẹ không thể lúc nào cũng biết được con mình chơi với những ai. Bởi vậy, để ngăn ngừa tình trạng nói bậy ở trẻ, cha mẹ không thể ngăn cấm con kết bạn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể đưa ra một số gợi ý đối với con khi chọn bạn kiểu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, để trẻ hiểu được môi trường xã hội tốt có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng sau này. Khi trẻ gặp những điều không vui, cha mẹ cần giúp con giải tỏa trạng thái tâm lý một cách tích cực, nếu không trẻ có thể lại dùng cách nói bậy để xả stress cho mình.

Giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) đang rèn nề nếp cho học sinh lớp 1. Ảnh: Anh Khôi

Nhắc nhở và phạt nặng khi trẻ mắc lỗi nhiều lần

Khi trẻ nói bậy lần đầu, cha mẹ có thể phạt bằng hình thức nhắc nhở. Sau đó, nếu trẻ tiếp tục nói bậy, cha mẹ sẽ thực hiện các hình phạt đã cảnh cáo trước đó. Ví dụ như, con bạn rất thích xem phim hoạt hình, bạn có thể chọn hình phạt là không cho con xem phim hoạt hình nữa nếu con tiếp tục nói bậy. Thậm chí, nếu cần thiết cha mẹ hãy xử phạt con để răn đe chúng không được tái phạm. Nhà giáo dục Makarenko từng khuyên các bậc phụ huynh rằng: “Phải trừng phạt khi bạn xét thấy sự trừng phạt ấy có ích cho quá trình giáo dục con trẻ”.

Khuyến khích trẻ nói lời hay và khen ngợi đúng lúc

Khi trẻ nói chuyện lễ phép và đúng mực, cha mẹ hãy khen ngợi ngay. Động viên, khuyến khích phải chính xác, kịp thời. Và khi trẻ nói lời hay cha mẹ phải công khai khen trước mọi người. Điều này sẽ khích lệ trẻ có cách nói chuyện tích cực với mọi người, vì trẻ nhỏ rất thích được khen mỗi khi chúng làm đúng điều gì đó. Cha mẹ phải biết kết hợp động viên bằng vật chất lẫn tinh thần. Có khi là một cái hôn nhẹ vào má, hay một vòng tay ấm áp dành cho con. Nhưng có khi cha mẹ hãy thưởng cho con một món quà mà trẻ hằng mong ước.

Cha mẹ phải gương mẫu

Có một điều mà nhiều bậc cha mẹ ít khi nhận ra, đó là, trẻ nhỏ có thể bắt chước cách nói không hay từ chính… cha mẹ mình. Cha mẹ sẽ không thể mong con biết cách nói đúng mực và lễ phép nếu vợ chồng nói chuyện thô lỗ, cộc lốc với nhau và suốt ngày dạy con bằng những ngôn từ chợ búa. Nếu cha mẹ vô tình nói ra một từ nào đó không tốt và để trẻ nghe được, hãy ngay lập tức xin lỗi và không được lặp lại từ đó. Nói bậy là một thói quen không lịch sự, cha mẹ nên phê bình chuyện này. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái không nói bậy cũng cần chú ý đến phương pháp. Khi thấy con nói bậy, cha mẹ nên nói cho trẻ hiểu thái độ của mình, như: “Cha mẹ không thích những đứa trẻ nói bậy đâu. Cái miệng nó xinh thế, chỉ nói điều hay thôi nhé!” hoặc “Những đứa trẻ hay nói bậy sẽ bị mọi người ghét đấy”… Trẻ sợ  bị mọi người hắt hủi và xấu hổ nên dần dần sẽ bỏ thói quen xấu này.

Phạm Phương (Đồng Nai)

Bình luận (0)