Anh Nguyễn Hồng Lộc (thứ ba từ phải qua) hướng dẫn sinh viên thực hành nghề sửa chữa ô tô |
Với các trường dạy nghề, dạy phải gắn với hành, thời gian thực hành nhiều hơn lý thuyết. Vì thế, giáo viên càng có điều kiện tiếp xúc với doanh nghiệp, với những công nghệ mới thì bài giảng mới có tính thực tế, giúp học sinh – sinh viên học tập hứng thú.
Hiểu được điều này, hai anh Nguyễn Hồng Lộc và Nguyễn Văn Nam (giáo viên Trường CĐ Nghề số 7) không ngừng sâu sát thực tế để từ đó đưa ra nhiều bài giảng thiết thực.
Lập xưởng đón sinh viên thực tập
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2009, anh Lộc (giáo viên Khoa Sửa chữa ô tô) đi làm hai năm rồi mới gắn bó với ngành giáo dục. Anh Lộc cho biết: “Khi mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, tay nghề chưa cao nhưng đi làm được một thời gian tôi để ý thấy các doanh nghiệp kinh doanh ô tô rất quan tâm đến khâu bảo dưỡng và chăm sóc khách hàng. Vì vậy tôi luôn cố gắng trau dồi tay nghề, học hỏi công nghệ mới. Nhờ vậy khi về trường giảng dạy tôi đã truyền đạt cho sinh viên những kiến thức mới nhất, dễ hiểu và dễ thực hành nhất”.
Lúc anh Lộc về Trường CĐ Nghề số 7 công tác (năm 2011) cũng là thời điểm anh kết hợp với một số người bạn mở một xưởng sửa chữa ô tô tại Q.Bình Tân (TP.HCM). Lúc đầu, anh khá băn khoăn vì muốn dành toàn bộ thời gian cho việc giảng dạy ở trường. Nhưng suy đi tính lại, anh nghĩ nếu có xưởng sửa chữa ô tô thì không chỉ mình được thực hành trên công nghệ mới mà ngay cả các em sinh viên cũng được hưởng thụ. Vì vậy, dù biết có rất nhiều khó khăn phía trước nhưng anh vẫn bắt tay vào cộng tác với bạn bè. Vừa đi dạy, vừa quản lý xưởng không phải là chuyện dễ. Nói về bí quyết sắp xếp thời gian, anh Lộc cho hay: “Với những trường hợp ô tô hư hỏng nặng, thợ không sửa chữa được thì lúc đó tôi mới sắp xếp thời gian (có thể là buổi tối) để xuống xưởng sửa. Xưởng này tôi hùn với bạn bè nên việc quản lý cũng được chia sẻ với mọi người”.
Từ khi thành lập đến nay, xưởng của anh Lộc đã đón hàng trăm lượt sinh viên đến thực tập. Sinh viên đến xưởng thực tập không chỉ học ở Trường CĐ Nghề số 7 mà còn ở nhiều trường khác như CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ Giao thông vận tải, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… Mỗi năm hai khóa, mỗi khóa có trên 10 sinh viên được anh sắp xếp, bố trí thời gian thực hành hàng ngày. Nếu chuyên cần, các sinh viên khi tốt nghiệp được anh giữ lại xưởng làm việc với mức lương khá cao. Nói về kế hoạch trong tương lai, anh Lộc cho biết: “Tôi dự tính sẽ phối hợp với một số người bạn mở thêm nhiều trạm bảo dưỡng nhanh. Các trạm này không cần diện tích quá lớn, chỉ khoảng 200-300m2 là đủ để các sinh viên có thêm điều kiện thực hành thực tế hơn”.
Dù bộn bề công việc nhưng để có những phương pháp giảng dạy giúp sinh viên hứng thú, anh Lộc không ngừng bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ sư phạm qua các lớp tập huấn, hay tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua tài liệu, đồng nghiệp nên anh đạt khá nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi…
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Anh Nguyễn Văn Nam (giáo viên Khoa Cơ khí) là tấm gương của sự vượt khó, hiếu học. Vì gia đình khó khăn nên anh chỉ học trung cấp ngành cơ khí rồi đi làm. Anh Nam nhớ rất rõ, sau khi tốt nghiệp năm 2000, từ quê nhà Hải Dương anh khăn gói vào Sài Gòn xin vào làm cho một công ty cơ khí. Nhờ chăm chỉ nên anh được lãnh đạo công ty tín nhiệm cho đi học liên thông CĐ ở Trường CĐ Nghề số 4.
Anh Nguyễn Văn Nam (giữa) hướng dẫn sinh viên thực hành nghề hàn |
Ước mơ trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng nên khi có bằng CĐ, anh xin về Trường CĐ Nghề số 7 công tác, rồi học liên thông lên ĐH ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ. Dù không vào thẳng ĐH nhưng bằng con đường vòng, với sự nỗ lực hết mình, cuối cùng anh cũng có tấm bằng ĐH để khẳng định giá trị nghề nghiệp của mình, chứng minh cho mọi người – nhất là các em sinh viên – thấy rằng: Nếu con người ta có sự quyết tâm thì dù khó khăn đến đâu cũng đạt được thành công. Anh Nam chia sẻ: “Chúng ta không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi giá, nếu chọn được ngành nghề yêu thích thì dù học trung cấp cũng có thể nâng cao trình độ chuyên môn qua con đường học liên thông”.
Nói về kinh nghiệm tích lũy từ những năm tháng đi làm, anh Nam cho hay: “Khi được làm việc trực tiếp tại xưởng cơ khí tôi mới có cơ hội nâng cao tay nghề, đúc rút cho mình nhiều bài học thực tế. Từ đó tôi mới đem hết những gì mình tích lũy được để truyền đạt lại cho các em sinh viên…”. Nói về kế hoạch trong tương lai, anh chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục trau dồi chuyên môn, tiếp tục học cao học ngành quản lý khoa học công nghệ tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Tôi nghĩ việc học không bao giờ là muộn, làm người thầy càng phải học hỏi hơn nữa, tiếp tục đúc rút thành quả của công nghệ mới truyền đạt cho sinh viên thì các em ra trường mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)