Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thị trường ngách đang là điểm đến của hạt gạo Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

“Xây dựng thương hiệu gạo đang khoác trên mình chiếc áo quá chật. Vì thế, cần một chiếc áo rộng hơn để phù hợp với tình hình mới.” Câu nói này lại càng đúng hơn khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Trước những đòi hỏi gắt gao từ những thị trường khó tính như Mỹ, EU và Nhật Bản về xuất xứ hàng hóa cũng như sự khác biệt về thương hiệu, những thị trường nhỏ hay gọi là thị trường “ngách” mà xưa nay bị lãng quên lại đang là điểm đến an toàn cho hạt gạo Việt Nam.

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Khách hàng là thương hiệu
Không thương hiệu, thiếu thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất hay truy xuất được nguồn gốc… là những điểm yếu khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường TPP khó gia tăng.” Là một cường quốc xuất khẩu gạo mạnh chỉ sau Thái Lan, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được một giống gạo riêng, một thương hiệu riêng để “khoe” với bạn bè quốc tế.
Điều đáng buồn nữa mà không ít chuyên gia trong ngành đều thẳng thắn thừa nhận, chất lượng hạt gạo không đồng đều và sử dụng quá nhiều giống khác nhau. Hệ lụy của việc này sau khi thu hoạch là tính cạnh tranh của hạt gạo thấp cũng như phân khúc thị trường cũng từ đó giảm theo nhường chỗ cho các nước lân cận xâm chiếm những thị trường “màu mỡ,” khó tính.
Hai vai vác nặng khi vừa phải đảm nhiệm cả dịch vụ và khâu tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp còn phải chủ động tự vẽ cho mình bản đồ thị trường để xác định điểm đến phân khúc xuất khẩu gạo nhằm định hướng sản xuất. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp, thông tin nhận được lại yếu và thiếu, cộng thêm chất lượng hạt gạo kém là nguyên nhân hạn chế kim ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian qua.
Không chỉ vậy, theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, khi tham gia cộng đồng TPP, thế mạnh của Việt Nam càng được khẳng định hơn bởi những nước trong khu vực này rất mạnh về lương thực (cụ thể là lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác), nhưng lại hạn chế về lúa gạo. Vì thế, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu vào thị trường ngách một cách hợp lý.
Thế nhưng, cơ hội để gia tăng xuất khẩu gạo vào các thị trường TPP hiện nay cũng không nhiều. Đây cũng là lý do giải thích vì sao quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn phát triển tốt đẹp nhưng các nhà nhập khẩu gạo Nhật Bản vẫn “bỏ rơi” gạo “Made in Vietnam” hơn 5 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do đến nay vẫn được giải thích là chưa có những dấu hiệu tích cực nào đủ cho thấy việc bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu được cải thiện.
Một điều khá đáng tiếc nữa là tiềm năng sản xuất những loại gạo đặc sản lâu nay của Việt Nam vốn rất có hạn. Nhưng khi đã có một số doanh nghiệp nhỏ lần lượt chuyển hướng vào sản xuất các loại gạo hữu cơ, hay gạo “chức năng,” gạo “thảo dược,” lại không được khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển.
Chờ cơ hội mới
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, đa phần người tiêu dùng trong nước chưa hiểu rõ khái niệm gạo sạch và hạt gạo đang được đối xử như hàng hóa thông thường, chủ yếu tập trung ở phân khúc thấp và trung bình. Sở dĩ gạo Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh vì thiếu định vị và hình ảnh, chưa tập trung phân khúc cao cấp với giá trị cao và thiếu gắn kết chuỗi giá trị nên phát triển chưa bền vững.
Do vậy, ông Bùi Huy Sơn cho rằng khi xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tới hành vi người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu, chọn thị trường ngách cho sản phẩm, nhận diện thương hiệu phải đồng bộ, dễ nhận diện, gây được sự chú ý cho khách hàng. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu gạo, không chỉ tiêu thụ trực tiếp qua siêu thị, mà hiện nay với công nghệ thông tin ngày càng phát triển, doanh nghiệp phải chú ý tới việc bán hàng qua mạng, marketing online, xây dựng thương hiệu qua hệ sinh thái website, doanh nghiệp không chỉ có một website mà duy trì nhiều thậm chí hàng trăm website vệ tinh với mục đích là thu hút khách hàng về phía thương hiệu của mình.
Tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện những công ty, đơn vị nhỏ lẻ xây dựng thương hiệu bằng cách chọn thị trường ngách, chuyển từ gạo trung bình giá thấp sang gạo hữu cơ giá cao và bước đầu đã thu được những thành công nhất định.
Theo ông Võ Minh Khải, chủ nông trại gạo hữu cơ Hoa Sữa là đơn vị đi tiên phong trong phát triển nông nghiệp hữu cơ (organic), để xây dựng thương hiệu gạo, trước tiên cần tạo ra sự khác biệt về mẫu mã và chất lượng. Sự khác biệt và độc đáo được cụ thể bằng việc nghiên cứu và sản xuất ra các loại gạo không gây béo phì và tiểu đường, giúp người tiêu dùng tăng hàm lượng chất sắt. Cùng với sự khác biệt và chất lượng bảo đảm, khi xây dựng thương hiệu, vấn đề mẫu mã và bao bì sản phẩm cũng rất quan trọng, làm sao để người tiêu dùng dễ nhớ và nhận biết về sản phẩm của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ thị trường xuất khẩu chính rất quan trọng, nhưng những thị trường nhỏ, thị trường ngách cũng quan trọng không kém. Đây là hướng đi quan trọng để doanh nghiệp xuất khẩu không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào.
Cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới đang mở ra với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để đón được cơ hội này, doanh nghiệp cần lưu ý đến các vấn đề về văn hóa, phương thức kinh doanh, cách thức tiếp cận, nhu cầu sản phẩm của từng thị trường, Bộ trưởng cho biết thêm.
Bộ trưởng cũng cho biết trong phương án đẩy mạnh xuất khẩu gạo năm nay, Bộ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi như nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu.
Đồng thời, Bộ cũng tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để mở đường xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)