Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Gia tăng trẻ tử vong do tai nạn giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Trong ba năm trở lại đây, số người chết vì tai nạn giao thông tại TP.HCM giảm dần, nhưng số trẻ em dưới 18 tuổi tử vong gia tăng. Điều đáng tiếc, đa số trẻ tử vong do liên quan đến lái xe đạp điện, mô tô, xe máy.

Muốn trẻ không vi phạm ATGT thì người lớn cần nêu cao ý thức chấp hành, làm gương để các em noi theo

Ba năm liên tiếp đều tăng

Kết quả nghiên cứu tỉ lệ trẻ em bị tử vong do giao thông tại TP.HCM của Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra gần đây cho thấy, trong vòng ba năm 2013, 2014 và 2015, số người chết vì tai nạn giao thông giảm dần, nhưng số trẻ em dưới 18 tuổi tử vong lại tăng. Cụ thể, năm 2013 có 35 trẻ tử vong trên tổng số 775 người. Năm 2014, số người tử vong giảm còn 702 người nhưng trẻ tử vong lên tới 61 trẻ. Và năm 2015, số người tử vong tiếp tục giảm còn 692 người, nhưng số trẻ tử vong tăng lên con số 111.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Có tới 70% trẻ em tử vong là HS THPT và 80% số HS THPT tử vong do tự điều khiển phương tiện, trong đó chủ yếu là đi xe đạp điện, mô tô, xe gắn máy. Điều này hết sức đau lòng”.

Trên thực tế, hiện tại không ít HS được phụ huynh cho phép sử dụng xe đạp điện, mô tô, xe máy đến trường. Nhưng kéo theo đó, tỉ lệ HS sử dụng những phương tiện này vi phạm Luật ATGT đường bộ cũng gia tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2016, Sở GD-ĐT gửi công văn đề nghị các trường xử lý, kỷ luật nghiêm khắc về mặt hạnh kiểm đối với gần 100 HS vi phạm. Các lỗi HS vi phạm bao gồm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cc, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, lưu thông vào đường cấm… Đáng nói, số lượng HS vi phạm lần này tăng gấp 2 đến 3 lần so với những lần  thống kê trước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, trung bình cứ 4 phút trôi qua có 1 trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, con số này lên tới gần 2.000 trẻ mỗi năm. 

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban ATGT TP.HCM nhìn nhận, tỷ lệ HS vi phạm ATGT khi tham gia không hề giảm mặc dù lực lượng giao thông thành phố luôn tăng cường công tác giám sát, kiểm tra xử phạt. Chưa kể đến nhiều hoạt động phối hợp với ngành giáo dục như tuyên truyền, xuống trường nói chuyện về ATGT cho HS,  đồng thời nhắc nhở các em cần chấp hành. Tính riêng quý I-2016 đã xảy ra gần 10 vụ thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây mất trật tự trên các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt…

Người lớn cần làm gương cho trẻ nhỏ

Theo ông Tường, xét về trách nhiệm khi HS vi phạm giao thông không thể không nói đến người lớn. Đó là việc thiếu sự quan tâm, nhắc nhở con em khi tham gia giao thông. Một số phụ huynh còn giao phương tiện mặc dù trẻ chưa đủ tuổi điều khiển. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành Luật ATGT của người lớn còn kém, không làm gương cho giới trẻ noi theo.

“Nhiều người cố ý vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lưu thông không đúng phần đường, ngược chiều, vượt quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia… thì làm sao đòi hỏi trẻ nhỏ phải noi theo. Nói ngay, đội mũ bảo hiểm là để mang lại sự an toàn cho con em mình nhưng nhiều người không quan tâm, chỉ làm hoặc làm đối phó. Đối với trẻ nhỏ, thấy người lớn làm được thì các em cũng không sợ xử phạt, kiểm điểm nếu vi phạm. Có lần đầu thì rất dễ xảy ra lần hai”, ông Tường cho biết.

Ông Tường cho biết thêm: “Trong thời gian tới, lực lượng giao thông thành phố sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và chú trọng tuần tra lưu động. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó chú trọng vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm… Riêng phụ huynh nào giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi điều khiển sẽ bị liên đới trách nhiệm nếu bị phát hiện”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11 cũng góp ý, nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền sâu rộng vấn đề ATGT thông qua nhiều hình thức đến các em HS, qua đó hình thành ý thức chấp hành cho các em chứ không nên làm một cách đối phó. Mặt khác, phải mở rộng tuyên truyền đến đối tượng phụ huynh vì bản thân phụ huynh là người gần các em nhất, nhắc nhở, giám sát các em dễ dàng, chặt chẽ hơn nhà trường.

“Chúng ta phải xác định phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. Nếu cứ để xảy ra mới bắt đầu quan tâm giáo dục thì đã muộn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Bình luận (0)