Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vai trò của kiểm tra – đánh giá

Tạp Chí Giáo Dục

Việc kiểm tra – đánh giá kết quả học tập mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng và có mối liên hệ khăng khít với nhau, trong đó kiểm tra là phương tiện còn đánh giá là mục đích vì không thể đánh giá mà không dựa vào kiểm tra.

Kiểm tra – đánh giá (KT-ĐG) có 3 chức năng là so sánh, phản hồi và dự đoán. Muốn thực hiện được những chức năng trên thì phải tìm những phương tiện KT-ĐG chính xác, đúng mức và tin cậy. Bởi kiểm tra kết quả học tập được thực hiện ở tất cả các khâu của quá trình dạy học. Do đó các phương pháp KT-ĐG cũng là một phương pháp dạy học nhưng chúng được sử dụng ở giai đoạn giảng dạy khi giáo viên có đầy đủ căn cứ để yêu cầu học sinh báo cáo sự lĩnh hội tài liệu đã học và đánh giá trình độ lĩnh hội tài liệu của từng em.

Có hai hình thức KT-ĐG là KT-ĐG hình thành và KT-ĐG tổng kết. Theo đó, KT-ĐG hình thành dựa trên cơ sở sự hình thành kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo trong học tập và tạo ra động lực phát triển. Đó là sự phản hồi nhanh để kịp thời sửa chữa ở mỗi giai đoạn cần thiết của sự phát triển trong quá trình học tập. Ngoài ra, KT-ĐG hình thành có thể thực hiện một cách thường xuyên ngay trong quá trình học bài mới hay vận dụng kiến thức đã học, một cách định kỳ sau mỗi chương, học phần hay học kỳ. Trong khi đó KT-ĐG tổng kết được thực hiện vào cuối năm học, cuối môn học.

Để tăng cường khả năng đánh giá một cách khách quan, người giáo viên phải vận dụng nhiều phương pháp KT-ĐG. Ảnh: Anh Khôi

KT-ĐG thường dựa theo hai phương pháp: Thứ nhất đó là phương pháp quan sát dùng để xác định những thái độ, những sự phản ứng vô thức, những kỹ năng thực hành và một số kỹ năng về nhận thức, chẳng hạn cách giải quyết vấn đề trong một tình huống đang được nghiên cứu. Thứ hai là phương pháp vấn đáp thường dùng với kiến thức rời rạc và khi hỏi một cách tự phát trong khi kiểm tra. Kiểm tra vấn đáp còn được dùng khi tác động giữa người chấm và người học là quan trọng như khi xác định thái độ, phỏng vấn… Bên cạnh đó còn có các phương pháp kiểm tra khác như kiểm tra miệng, kiểm tra viết bằng trắc nghiệm tự luận – khách quan, kiểm tra thực hành… Kiểm tra miệng là phương tiện giúp cho học sinh mạnh dạn phát biểu ý kiến, luyện tập khả năng đối đáp, diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ nói chính xác và tập cho các em tính linh hoạt, suy nghĩ phán đoán được nhanh chóng. Tuy nhiên kết quả trả lời của học sinh không thể xem là đại diện cho cả lớp. Kiểm tra viết bằng trắc nghiệm tự luận có ưu điểm là kiểm tra được cả lớp trong thời gian ngắn và khuyến khích cho học sinh có thói quen tập suy diễn, tổng quát hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, trắc nghiệm tự luận có độ tin cậy thấp, đề tài dù rộng bao nhiêu cũng không khái quát hết chương trình. Còn với trắc nghiệm khách quan, ưu điểm là có độ tin cậy cao, chấm bài nhanh và bao quát toàn bộ chương trình. Tránh được lối học vẹt – học tủ theo kiểu tầm chương trích cú. Tuy nhiên ở phương pháp này, đòi hỏi giáo viên tốn nhiều công biên soạn ngân hàng câu hỏi và chủ yếu đánh giá được kết quả tư duy và khả năng tái nhận, tái hiện của học sinh. Kiểm tra thực hành là phương pháp kiểm tra kỹ năng thực hiện của người học trong các lĩnh vực kỹ thuật và hiện nay có ba loại thông dụng là kiểm tra thành phẩm thực hành, kiểm tra quá trình thực hành và kiểm tra phối hợp. Kiểm tra thực hành là loại kiểm tra duy nhất đánh giá được tay nghề và kỹ năng thực hiện của người học, đồng thời hình thành tác phong công nghiệp và ý thức an toàn lao động cho người học. Tuy nhiên đòi hỏi phải có đầy đủ trang thiết bị và dụng cụ đồng đều giữa các học sinh.

Do mỗi hình thức KT-ĐG có những ưu, nhược điểm nhất định nên phải vận dụng các phương pháp như thế nào để hạn chế các nhược điểm của từng loại kiểm tra; đồng thời phát huy mặt mạnh để tăng cường khả năng đánh giá một cách chính xác, khách quan. Điều này đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp của mỗi giáo viên.

TS. Phan Long

(Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Thi là hình thức kiểm tra có tầm quan trọng đặc biệt và cho điểm là dạng đánh giá phổ biến xác định bằng định lượng trình độ của học sinh. KT-ĐG kết quả học tập của người học có thể hiểu là sự so sánh, đối chiếu kiến thức, kỹ năng, thái độ thực tế đạt được của người học sau một quá trình học tập với kết quả thực tế và mục tiêu dạy học ban đầu đề ra. 

 

Bình luận (0)