Tòa soạnThư đi – tin lại

Mở lối cho học sinh khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh khuyết tật (HSKT) luôn mong muốn được học lên cao nhưng nhiều em buộc phải nghỉ học sau khi hoàn thành chương trình tiểu học. Từ thực tế này, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã thực hiện thí điểm mô hình giáo dục từ xa cho HSKT bậc THCS nhằm giúp các em có thể học lên các bậc cao hơn.

Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT rất chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập. Vì vậy, bộ đã tổ chức nhiều khóa tập huấn đánh giá về công tác giáo dục hòa nhập nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều kỹ năng, phương pháp hướng dẫn HSKT học tập tốt hơn. Tuy nhiên, hiệu quả công tác này chưa cao, vẫn còn tình trạng HSKT sau khi hoàn thành chương trình tiểu học phải nghỉ học do di chuyển khó khăn hoặc một số trường THCS không có giáo viên hỗ trợ. Xuất phát từ thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã thực hiện thí điểm mô hình giáo dục từ xa cho HSKT ở bậc THCS. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập thông qua CNTT cho trẻ khuyết tật” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID và Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) thực hiện.

Vừa qua trong khóa tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên khu vực phía Nam về chương trình này (tổ chức tại TP.HCM), ông Nguyễn Hải Châu – Giám đốc chương trình phát triển giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) – cho biết: “Thành phần quan trọng nhất của mô hình giáo dục từ xa cho HSKT bậc THCS là trang web giaoduchoanhap.edu.vn được thiết kế gồm các bài học E-learning được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và đảm bảo phù hợp với từng dạng khuyết tật; thư viện các văn bản, tài liệu chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục để cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm tham khảo (các văn bản, tài liệu được thiết kế thuận tiện với từng đối tượng sử dụng). Ngoài ra, trang này còn có diễn đàn trao đổi cho mọi người quan tâm đến giáo dục chuyên biệt như chính sách, phương pháp, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm… giáo dục HSKT”…

Nhờ hỗ trợ của CNTT, mô hình giáo dục từ xa giúp giáo viên có thêm tài liệu tham khảo để dạy HSKT trong trường phổ thông (ảnh mang tính chất minh họa)

Với mô hình này, tất cả các trường học đều có thể đón nhận HSKT. Qua khảo sát của Bộ GD-ĐT, nhiều HSKT không thể đến trường vì nhà trường không có giáo viên hỗ trợ cũng như tài liệu giáo dục chuyên biệt. Hiện nay, với những bài học E-learning cùng đội ngũ chuyên gia giáo dục chuyên biệt cùng tư liệu hướng dẫn, tất cả các trường học đều có thể tiếp nhận và dạy HSKT.

Ông Nguyễn Hải Châu cho biết thêm: “Mô hình còn giảm thiểu sự khó khăn trong di chuyển cho HSKT. Cụ thể, trước đây do điều kiện di chuyển khó khăn nên một số HSKT không thể đến trung tâm giáo dục chuyên biệt (mỗi tỉnh thường chỉ có một trung tâm nên phần lớn HSKT phải học tập ở trung tâm này nhưng không phải nhà em nào cũng gần trung tâm). Với mô hình giáo dục từ xa, HSKT có thể lựa chọn theo học tại các cơ sở giáo dục gần nhất mà không nhất thiết phải đến trung tâm giáo dục chuyên biệt”.

Mô hình giáo dục từ xa này không chỉ giúp HSKT giảm thiểu khó khăn trong đi lại hay tạo nguồn tài liệu để các em học lên cao mà còn giúp các trường học giải quyết rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) phân tích: Về phía nhà trường, khi thực hiện đại trà mô hình sẽ tháo gỡ được những khó khăn về nguồn giáo viên và tài liệu dạy học. Mô hình này là một biện pháp để giải quyết vấn đề đã được nêu lên từ lâu, đó là cơ sở giáo dục thường không thể tiếp nhận HSKT vì thiếu đội ngũ giáo viên và thiếu tài liệu chuyên biệt. Với bài học E-learning được thiết kế đáp ứng nhu cầu đặc thù của HSKT để giảng dạy từ xa, đội ngũ giáo viên có thể đảm đương được việc dạy HSKT ngay tại trường. Thông qua việc hướng dẫn HSKT học với bài học E-learning, bản thân giáo viên cũng được nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực cần thiết cho giáo dục chuyên biệt.

Bài, ảnh: Minh Châu

Mô hình đã được thí điểmtại 10 tỉnh/thành

Từ đầu năm 2015, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm mô hình này tại 10 tỉnh/thành khu vực phía Bắc với hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh khiếm thị – khiếm thính tham gia. Khi khảo sát thực tế, ông Vũ Trọng Hoàn cho biết: “Chúng tôi thấy mô hình thật sự có hiệu quả trong khi nhu cầu của học sinh và giáo viên rất lớn, vì thế chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm ở nhiều tỉnh thành”.

 

Bình luận (0)