Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học chữ trước gây tổn thương tâm lý trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Khi vào lớp 1, con mình thua kém bạn bè, phụ huynh bị giáo viên chê trách là thiếu quan tâm, còn trẻ bị xếp vào nhóm đặc biệt…, đã tạo nên áp lực rất lớn đối với phụ huynh. Vì thế, một cuộc đua khốc liệt ngay trong những ngày hè của phụ huynh là làm sao cho con được học chữ.

Các chuyên gia tâm lý khuyên phụ huynh không nên cho con học chữ trước vì không phù hợp với quy luật tâm sinh lý của trẻ. Trong ảnh: Trẻ mầm non tham gia cuộc thi vẽ do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.7 tổ chức. Ảnh: Bích Vân

Nhiều lựa chọn…

Chị Thanh (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Trước khi vào lớp 1 tốt nhất cho trẻ học trước, vì khi vào lớp 1 đông như hiện nay thì làm sao giáo viên có thể hướng dẫn, uốn nắn từng cháu một, nếu không cho học thêm chắc chắn sẽ không thể theo kịp các bạn cùng lớp, các cháu sẽ càng tự ti”. Chị Thanh còn nhấn mạnh thêm: “Thời gian học ở lớp rất ít, nội dung thì đầy ắp, không cho con đi học trước thì liệu các cháu có hoàn thành tốt nội dung hay không?”. Tuy nhiên cũng có phụ huynh phản đối, chị Hòa (Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ: “Khi các cháu vào lớp 1 sẽ phải học từ đầu những kiến thức tự nhiên, xã hội cơ bản nhất, lúc đó các cháu càng thích thú, nếu biết rồi dễ làm các cháu quá tự tin, nảy sinh tâm lý coi thường kiến thức, coi thường bạn bè. Tốt nhất cho các cháu đi học bơi hoặc biết thêm một số công việc gia đình”.

Tuổi mẫu giáo vui chơi là hoạt động chủ đạo

Khoa học tâm lý lứa tuổi khẳng định: Tuổi mẫu giáo vui chơi là hoạt động chủ đạo mà không phải là học tập. Với sự phát triển mạnh về các chức năng tâm lý và đang giai đoạn hoàn thiện những chức năng sinh học thì phải thông qua hoạt động vui chơi để hình thành những nét tâm lý mới, là cơ sở, tiền đề của hoạt động học tập trong những năm vào tiểu học. Sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, các quá trình nhận thức, xúc cảm, tình cảm… cho phép trẻ chỉ phù hợp với sự lĩnh hội một cách căn bản, làm quen với thế giới bên ngoài đơn giản nhất mà chỉ thông qua hoạt động vui chơi, giao tiếp mang lại chứ không phải hoạt động học tập. Hoạt động về mặt chủ đạo sẽ luôn quyết định những nét tâm lý đặc trưng nhất của lứa tuổi mẫu giáo. Nếu như hoạt động chủ đạo được diễn ra tốt đẹp thì kéo theo sự phát triển tâm lý của trẻ cũng đúng hướng, thuận lợi và ngược lại. Vì vậy, nếu các bậc phụ huynh nắm được những khó khăn tâm lý của trẻ và có biện pháp phù hợp thì trẻ sẽ được chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất, vững vàng bước vào lớp 1. Đó mới là phát triển theo quy luật tâm sinh lý của trẻ.

Vấn đề này hiện nay cũng được không ít phụ huynh đặc biệt quan tâm. Tất nhiên, những nhà giáo dục, các chuyên gia tâm lý khuyên rằng các bậc phụ huynh không nên cho con học chữ trước, bởi nếu học chữ trước sẽ không phù hợp với quy luật tâm sinh lý của trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nhân cách trẻ sau này.

Học chữ trước: Lợi bất cập hại!

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Minh Thức (Trường ĐH Nguyễn Huệ), người có nhiều công trình nghiên cứu về trẻ em, cho rằng: “Trước khi vào lớp 1, phụ huynh nên chú ý phát triển cho con mình mạnh mẽ về thể chất và những kỹ năng cơ bản, chẳng hạn kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp với người lớn, chia sẻ đồng cảm, kỹ năng lao động… Đó chính là những tiền đề quan trọng giúp trẻ sẵn sàng tâm thế khi bước vào lớp 1. Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng, hãy cởi bỏ áp lực, đừng ép trẻ học sớm trước tuổi. Điều quan trọng và cần thiết hơn đối với trẻ là hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng để bước vào lớp 1 thật thoải mái, tự tin và an toàn”.

Có ý kiến cho rằng: Trẻ từ 5 tuổi mà đã đọc được, làm toán được, nếu như vậy những đứa trẻ này có thể phát triển rất tốt về sau. Tuy nhiên, đó là điều phản khoa học. Theo các nghiên cứu, trẻ chưa đến tuổi học chữ (dưới 6 tuổi) thì chưa có tâm thế sẵn sàng để học chữ và làm toán, các điều kiện tâm sinh lý cũng chưa phù hợp như khả năng vận động, ngôn ngữ, trí nhớ. Nếu ngay khi trẻ 5 tuổi, phụ huynh đã bắt phải học trước chương trình, như vậy phụ huynh đã vô tình để trẻ gánh trên vai gánh nặng hơn hẳn so với sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Nếu học trước thì thời gian và công sức dành cho việc luyện chữ phải nhiều hơn so với đứa trẻ đúng tuổi. Khi trẻ biết trước kiến thức, vào học chính thức sẽ dễ chủ quan, không chịu suy nghĩ động não. Không ít học sinh hình thành tâm lý ỉ lại, không còn hứng thú với chuyện học, vì vậy thời gian sau đó số học sinh này thường có kết quả thấp và mất hứng thú phấn đấu.

Tóm lại, trước khi vào lớp 1, phụ huynh nên chú ý phát triển cho con mình mạnh mẽ về thể chất và những kỹ năng sống cơ bản. Gia đình hãy giúp trẻ làm quen với môi trường mới và tạo hứng thú cho trẻ khi nghĩ đến việc học, để mỗi ngày đến trường với trẻ thật sự là một lần trải nghiệm, một ngày vui, trẻ háo hức đến trường sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn. Cho con học chữ trước là lợi bất cập hại.

ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công

Bình luận (0)