Hoạt cảnh sân khấu hóa tác phẩm văn học do học sinh Trường THPT Tây Thạnh thực hiện
Nhiều người tâm đắc với bức thư mà Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) gửi cho thầy hiệu trưởng, nơi mà con của vị phụ huynh là tổng thống đã học gần 200 năm trước. Bức thư này được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 với nhan đề là “Xin thầy hãy dạy cho con tôi…”. Đây là một văn bản rất được học sinh, giáo viên và nhiều người yêu thích. Bởi vì nó thể hiện một cách nhìn đơn giản mà thiết thực, thể hiện quan điểm triết lý giáo dục vô cùng tiến bộ. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy được sự tương đồng, gặp gỡ giữa những thiết tha mong mỏi của vị Tổng thống Mỹ với nhà trường dạy cho con mình và những quan niệm dân gian Việt Nam, vốn đã được nói đến trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ… có từ rất lâu đời. Chẳng hạn, một số ý trong bức thư tương đồng với triết lý giáo dục của dân gian như sau: “Xin hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến ấy là không đúng” (tương đồng “Dù ai nói ngả nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”); hay: “Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn đối với kẻ thô bạo” (tương đồng “Mềm nắn, rắn buông”, “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”); hoặc: “Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người chạy theo thời thế” (tương đồng “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”); hoặc: “Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi” (tương đồng “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”); hay như: “Xin hãy đối xử dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn” (tương đồng “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”)…
Tôi đã đặt vấn đề trên với học sinh của mình và các em đã phát hiện ra trên dưới 10 ý tương đồng thú vị. Từ sự so sánh này cho ta một kết luận: Quan điểm giáo dục con người dù là truyền thống hay hiện đại, dù là phương Đông hay phương Tây (theo như cách nhiều người phân biệt)…, những chân lý nhân văn, nhân bản bao giờ cũng có sự tương hợp, có một mẫu số chung, bất biến. Nhiều người cất công đi tìm triết lý giáo dục cho Việt Nam, song ít ai chịu thấy sự sâu sắc ấy trong quan niệm giáo dục truyền thống. Sự liên hệ này còn giúp cho học sinh chúng ta nhận thức lại tầm quan trọng của các lời dạy ông cha xưa qua cả một kho tàng ca dao, tục ngữ… Điều này đã và đang mai một đi rất nhiều trong ý thức của giới trẻ ngày nay!
Bài, ảnh: Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)