Cuộc họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều qua 24.3 tập trung chủ yếu vào vấn đề chuẩn bị thi THPT quốc gia 2017 và dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến sẽ công bố vào ít ngày tới.
Tăng cường giảng viên coi thi để kết quả tin cậy hơn
Tại buổi họp báo, PV Thanh Niên đặt vấn đề về sự việc sai sót trong khâu ra đề của các kỳ thi thử mà một số địa phương tổ chức vừa qua khiến dư luận không khỏi lo ngại về quy trình ra đề và in sao đề thi của kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khẳng định quy trình xây dựng đề của Bộ hiện nay được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo không để xảy ra sai sót tương tự. Trước hết là soạn câu hỏi thô, sau đó các câu hỏi này được biên tập, lọc, thẩm định rồi kiểm thử lần 1. Kiểm thử xong, bộ phận có trách nhiệm sẽ xây dựng thành đề thi rồi tiếp tục kiểm thử. Việc in sao đề thi cũng được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm, đưa vào quy chế. Hiện nay Bộ đã yêu cầu các sở lập kế hoạch in sao, báo cáo Bộ. Tới đây, Bộ sẽ đi kiểm tra, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật. Đến nay, mọi công việc liên quan tới xây dựng đề thi đúng tiến độ, số lượng câu hỏi thô cũng như câu hỏi tinh khá lớn, chắc chắn đáp ứng yêu cầu mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng của năm nay.
Cũng theo ông Trinh, tuy năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thi theo các tổ hợp môn thi nhưng vì mục tiêu hàng đầu là để xét tốt nghiệp nên mức độ đề thi trước hết đảm bảo mặt bằng giáo dục THPT, cấp độ khó của các câu hỏi nằm trong học vấn phổ thông, đồng thời trong kỹ thuật ra đề có các câu hỏi đủ để phân hóa nhằm phục vụ mục đích tuyển sinh.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc tại sao Bộ GD-ĐT vẫn cử giảng viên ĐH về làm nhiệm vụ coi thi trực tiếp tại các địa phương với tỷ lệ 50% trong khi trong phương án tổ chức thi công bố trước đó không có yêu cầu này, ông Mai Văn Trinh cho biết, theo thiết kế ban đầu, khâu coi thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ chỉ do các sở GD-ĐT chủ trì. Tuy nhiên, vì có mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH và CĐ sư phạm nên các trường ĐH đã tự nguyện tham gia. “Sự chia sẻ trách nhiệm đó chỉ làm cho kỳ thi tốt hơn, an toàn hơn, kết quả tin cậy hơn”, ông Trinh nói. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, năm nay số lượng giám thị là cán bộ giảng viên ĐH chỉ còn khoảng 42.000 người, giảm đáng kể so với năm ngoái (60.000 người).
|
Sẽ tuyển 340.000 chỉ tiêu ĐH
Theo đăng ký của các trường, năm nay cả nước sẽ có 340.000 chỉ tiêu ĐH. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng thực tế con số tuyển sinh được có thể thấp hơn do sẽ có ít trường tuyển đủ 100% chỉ tiêu và cũng sẽ có nhiều trường chỉ tuyển được 30 – 40%.
Theo ông Ga, nguồn tuyển sinh năm nay sẽ dồi dào hơn năm ngoái. Ước tính của các địa phương, năm nay cả nước sẽ có khoảng 955.000 thí sinh đăng ký dự thi (kể cả thí sinh tự do), cao hơn năm ngoái. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu mà các trường đăng ký với Bộ là 392.000 (ĐH 340.000, CĐ sư phạm 52.000), giảm khoảng 30.000 so với năm ngoái. Đặc biệt, chỉ tiêu khối sư phạm giảm mạnh. Do đó, các trường CĐ, TCCN (hiện do Bộ LĐ-TB-XH quản lý nhà nước) không phải quá lo lắng việc thiếu nguồn tuyển, xã hội cũng không phải quá lo lắng việc đào tạo ĐH quá nhiều. “Do tuyển không hết chỉ tiêu, do trong quá trình học ĐH nhiều em sẽ bị rơi rụng nên số tốt nghiệp ĐH sẽ chỉ chiếm khoảng 25% so với số thí sinh dự tuyển ĐH. Tỷ lệ này không phải là nhiều trong cơ cấu nguồn lực lao động”, ông Ga nói.
Vẫn kịp thực hiện chương trình mới từ năm 2018
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết: “Sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9.2017”.
Cũng theo GS Thuyết, ngày 24.1.2017 đã hoàn thành khung chương trình và chuyển đến hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định chương trình này. Ngày 24.2, hội đồng thẩm định họp và biểu quyết thông qua dự thảo đó với tỷ lệ khá cao: 42% không qua sửa chữa, 58% thông qua nhưng yêu cầu phải có sửa chữa.
Trả lời câu hỏi của báo chí, liệu chương trình giáo dục phổ thông mới có kịp thực hiện từ năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội hay không, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Nếu tháng 9.2017, chương trình phổ thông tổng thể được phê duyệt như dự kiến thì vẫn có thể kịp thời gian để đưa vào thực hiện từ năm học 2018 – 2019. Trong quá trình xây dựng chương trình tổng thể, chúng tôi cũng soạn một số bài để giảng thử nghiệm trong tháng 4 – 5 tới. Việc thực hiện chính thức chương trình mới sẽ tiến hành theo hình thức cuốn chiếu”.
Thay đổi lớn nhất trong chương trình giáo dục phổ thông mới, theo GS Thuyết, là ở cấp THPT. Cấp học này chia thành 2 giai đoạn: Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc: ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, thiết kế và công nghệ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là ngoại ngữ 2. Đến lớp 11 và 12, các môn học chung (bắt buộc) chỉ còn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Còn lại là các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Tuệ Nguyễn – Quý Hiên (TNO)
Bình luận (0)