Theo điều lệ trường tiểu học mới, các em học sinh được tăng quyền hơn. Ảnh: N.Trinh |
Dự thảo điều lệ trường tiểu học (gọi tắt là điều lệ) vừa được công bố thì đã gặp ngay sự phản ứng quyết liệt của dư luận, nhất là với quy định lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản… Rất nhiều người băn khoăn là liệu những điểm mới này có thực sự khả thi không?
Theo dự thảo, mỗi lớp sẽ có không quá 35 học sinh. Hiện nay, ở TP.HCM, nhiều lớp ở bậc tiểu học có trên dưới 50 học sinh, nếu “rút” xuống còn 35 em thì quả là một điều lý tưởng. Bởi ở một số lớp học, vốn được xây dựng cho khoảng 40 học sinh nhưng vì thiếu phòng học, buộc phải kê thêm bàn, nên không gian lớp rất chật chội, đi lại đã khó, nói chi đến sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu giảm đi gần 1/3 số học sinh mỗi lớp, thì ở một số nơi sẽ phải tăng 1/3 số phòng học, cũng tăng ngần ấy số giáo viên, tăng nhà vệ sinh, đồ dùng dạy học, trang thiết bị… Điều này gây khó khăn chung cho các trường, các địa phương, bởi nơi thì thiếu đất để xây dựng trường, nơi thì thiếu kinh phí, nơi thì thiếu nhân sự… Đây là điều rất khó thực hiện được trong bối cảnh hiện nay.
Dự thảo quy định tăng quyền của học sinh, nhấn mạnh các em được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện. Thực hiện được điều này thì rất quý, nhưng hoàn toàn không dễ dàng, bởi nó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương, vào điều kiện riêng của từng trường (trường ở đô thị hoặc nông thôn, trường rộng hay hẹp, trường có bề dày hoạt động hay trường mới ra đời…). Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của phụ huynh, điều mà ở những nơi có mặt bằng dân trí chưa cao, đời sống vật chất còn hạn chế thì rất khó thực hiện.
Điều lệ còn quy định, lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Trong quy định này, việc thực hiện một ban cán sự lớp luân phiên là một điểm tiến bộ, bởi tập cho các em thực hiện các công việc có tính chất thể hiện trách nhiệm với lớp, đồng thời qua đó rèn luyện kỹ năng tổ chức, lãnh đạo. Tuy nhiên, việc có chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản lớp (hay tổ chức nào tương tự) thì không ổn chút nào. Dù hiện nay, việc đặt ra chức danh này (cùng các chức danh trưởng ban văn nghệ, học tập, vệ sinh…) đã được thực hiện ở một số trường học rồi, nhưng cũng chỉ là hình thức, danh xưng lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng… vẫn được sử dụng và trên thực tế là hợp lý, cả với lứa tuổi và thông lệ xưa giờ.
Có thể nói, điều lệ là một quy định có tính bắt buộc cho các trường tiểu học thì cần phù hợp với thực tế và có tính khả thi hơn. Một quy định dù tiến bộ nhưng cũng phải bám sát đặc điểm xã hội hiện tại thì mới phát huy được trong thực tiễn.
ThS. Nguyễn Minh Hải
LTS: Sau bài viết Băn khoăn về điều lệ trường tiểu học mới (Giáo dục TP.HCM ngày 17-7), đã có nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về tòa soạn chia sẻ về điều lệ mới này. |
Điều lệ cũng có nhiều điểm tiến bộ Dự thảo điều lệ trường tiểu học mới cũng có nhiều điểm tiến bộ, theo hướng tôn trọng người học hơn, quan tâm đến giáo viên hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chẳng hạn, học sinh được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh; được chăm sóc và giáo dục hòa nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định… Những quy định này tuy không mới hoàn toàn, nhưng được chi tiết hóa, được hệ thống hóa và có tính pháp quy chặt chẽ hơn. |
Bình luận (0)