Trong số hơn 12.000 bài dự thi, bài giảng về Chí Phèo là tác phẩm môn văn duy nhất đoạt giải nhất. Cùng giành thứ hạng này còn có 6 bài giảng khác thuộc các môn tiếng Anh, Mỹ thuật và Tự nhiên xã hội…
Các bài giảng đoạt giải nhất gồm Thường thức mĩ thuật – Xem tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" (môn Mỹ thuật lớp 5 của giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng A, Hà Nội); bài Đường giao thông (môn Tự nhiên xã hội lớp 2, trường tiểu học Lê Hồng Phong, Hà Nội), bài Nói chuyện với thầy cô giáo (môn Khoa học lớp 5, trường tiểu học Lương Yên, Hà Nội); Lesson 1 môn tiếng Anh lớp 4, trường tiểu học Yết Kiêu, Hà Nội), bài Axit Axetic (môn Hóa học lớp 8, trường THCS Trần Phú, Hải Phòng); bài Unit 10, (môn tiếng Anh lớp 10, trường THPT Đại Từ, Thái Nguyên) và bài Chí Phèo (môn văn lớp 11, trường Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Cuộc thi Thiết kế bài giảng Elearning được phát động từ cuối năm 2015, cho đến ngày 31/11/2016, BTC đã nhận được12.216 bài dự thi của các thầy cô khắp cả nước. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục, đây là số bài dự thi lớn nhất kể từ khi cuộc thi được tổ chức, gần gấp đôi so với số bài dự thi của năm trước đó.
Bởi số lượng bài tham gia là rất lớn trong khi giải thưởng chỉ có hạn (170 giải), ban Giám khảo đã chấm rất chặt chẽ, kỹ càng. Tất cả các bài đều được chấm qua 2 lượt, đảm bảo tính công bằng và chính xác. Ban giám khảo gồm các thầy cô thuộc các trường đại học sư phạm và các chuyên gia Elearning. Ông Hải cho biết, so với các năm trước, chất lượng bài giảng năm nay tiến bộ vượt bậc ở cả 4 tiêu chí: nội dung, hình thức trình bày, phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin.
Sau cuộc thi này, tới đây hàng ngàn bài giảng của cuộc thi sẽ trở thành kho học liệu mở lớn cho khối giáo dục từ mầm non tới phổ thông trên toàn quốc, giúp đưa Việt Nam lên bản đồ tài nguyên giáo dục mở trên thế giới, đóng góp cho nguồn tài nguyên giáo dục mở bằng tiếng Việt trên không gian mạng. Đây cũng là hình thức chia sẻ nguồn tri thức, kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô với nhau. Việc kết nối thông qua các bài giảng ở trên web học liệu sẽ giúp các giáo viên tiếp cận được với các ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả nhất.
Mới đây, đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, tiếp tục xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung phục vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác. Với việc tổ chức Cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning, đây là hình thức giúp cho đề án sớm được hoàn thiện.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)